• Zalo

Thường vụ Quốc hội: Không gây thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đấu thầu

Tin nóngThứ Năm, 30/03/2023 20:20:43 +07:00Google News
(VTC News) -

UBTVQH đề nghị hoàn thiện quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở bám sát nguyên tắc không tạo kẽ hở gây lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hoàn thiện các quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở phải bám sát nguyên tắc nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu phương án xử lý phù hợp giữa nội dung về đấu thầu và nội dung đấu giá đất trong các trường hợp dự án có sử dụng đất chưa được đền bù, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng) để có cách tiếp cận thống nhất giữa dự thảo Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Đất đai (đang được sửa đổi).

Thường vụ Quốc hội: Không gây thất thoát lãng phí, tham nhũng trong đấu thầu - 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đối với nội dung này, Luật Đấu thầu sẽ không quy định các trường hợp phải đấu thầu mà chỉ quy định về quy trình, thủ tục đấu thầu. Các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Luật Đấu thầu phù hợp, bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát lại các trường hợp đặc biệt, trường hợp đặc thù để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và cần quy định cụ thể trong luật theo hướng: Trường hợp nào thật sự cần thiết thì có thể bổ sung vào hình thức chỉ định thầu và hướng tới bỏ quy định về trường hợp đặc biệt để bảo đảm minh bạch. Nếu cần thiết phải duy trì quy định về trường hợp đặc biệt thì đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong luật và chủ trương phân cấp, phân quyền, một việc giao một người chịu trách nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu. Trong trường hợp đặc biệt, việc chỉ định thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia phải được quy định riêng tại Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị hạn chế sử dụng hình thức đấu thầu trước, rà soát quy định cụ thể về điều kiện áp dụng, chỉ áp dụng khi được quy định trong điều ước quốc tế và hiệp định vay vốn đã ký kết, tránh tạo kẽ hở trong thực thi.

Các cơ quan cần nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp trong luật để khắc phục, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực (tình trạng đơn vị mời thầu không nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa, nhưng mô tả chi tiết về các yếu tố thông số kỹ thuật của các gói thầu, đặc điểm hàng hóa... nhằm chỉ định cụ thể loại hàng hóa, nhà thầu đáp ứng gói thầu).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi đối với nhà đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh.

Ánh Dương
Bình luận
vtcnews.vn