• Zalo

Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó

Chính trịThứ Tư, 08/04/2020 18:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc ban hành chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với quy mô hỗ trợ dự kiến là 62.000 tỷ đồng.

Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Việt Nam sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của COVID-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn đến những nhóm yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Để thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến 62.000 tỷ đồng. 

Số tiền này được lấy trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội, được dùng để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm khác nhau trong tối đa 3 tháng.

Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó - 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Báo cáo của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều thể hiện sự nhất trí cao với các giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ để nghị.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích về thẩm quyền quyết định các giải pháp do Chính phủ đề xuất, đề nghị làm rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay của Quốc hội để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp.

Về đối tượng thụ hưởng, các đại biểu nhấn mạnh đến việc bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng những người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch COVID-19.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phạm vi đối tượng hỗ trợ theo báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định, đề nghị rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong thực hiện.

Về mức hỗ trợ, Ủy ban về Các vấn đề xã hội và một số đại biểu băn khoăn về việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động. Mức chênh lệch giữa hai nhóm khá lớn, việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…

Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.

Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó - 2

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét các biện pháp hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ xác định.

Trong đó, Ủy ban nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch; bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý; công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục.

Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Về việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do, nên tính đến việc giao các địa phương tự cân đối trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế.

Về thực hiện chính sách tín dụng, cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản đảm bảo, tránh dẫn đến rủi ro. Thống nhất thời gian hỗ trợ là không quá 3 tháng, trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Video: Một Hà Nội rất khác trong đại dịch COVID-19

 

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn