Hôm 23/4 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan với 79 phiếu thuận, 18 phiếu phản đối.
Sau khi vượt qua "cửa ải" Hạ viện và Thượng viện Mỹ, dự luật này sẽ được gửi tới bàn Tổng thống Joe Biden để ký ban hành.
Gói viện trợ vừa được Hạ viện Mỹ thông qua bao gồm 60,84 tỷ USD cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel, 23 tỷ USD để bổ sung vũ khí, kho dự trữ và cơ sở vật chất của Mỹ, 8,12 tỷ USD dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ ca ngợi việc thông qua dự luật là “một trong những thành tựu lớn nhất mà Thượng viện làm được trong nhiều năm”. “Hôm nay, Thượng viện Mỹ gửi thông điệp thống nhất tới toàn thế giới: Nước Mỹ sẽ luôn bảo vệ nền dân chủ trong lúc cần thiết”, ông Chuck Schumer cho biết.
Trong cuộc điện đàm hôm 23/4, Tổng thống Joe Biden thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng ông sẽ “nhanh chóng hành động” để gửi viện trợ quân sự cần thiết, bao gồm cả vũ khí phòng không, cho Ukraine sau khi Thượng viện thông qua dự luật.
Dự luật trước đó bế tắc ở Hạ viện Mỹ do sự phản đối từ phe Cộng hòa. Gói viện trợ được ông Biden đề xuất từ tháng 10/2023. Thế nhưng, đề nghị này không nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện vốn đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nhiều đảng viên Cộng hòa chỉ trích vì dự luật không đi kèm các điều khoản an ninh biên giới để ngăn dòng người di cư ở biên giới Mỹ - Mexico.
Mới đây, Nga phản ứng về gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc Hạ viện Mỹ thông qua viện trợ an ninh cho Ukraine sẽ dẫn tới nhiều thiệt hại và thương vong hơn.
Trong khi đó, trên trang Telegram cá nhân, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói rằng việc Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine không phải điều đáng ngạc nhiên và cho rằng mục đích của hành động này là chống lại Nga.
Bình luận