Tối 9/2, tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 - 9/2/2023).
Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Attapư, Sê Kông, Chăm Pa Sắc, Salavan (nước CHDCND Lào); tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Vương quốc Campuchia).
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đọc diễn văn ôn lại truyền thống 110 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Kon Tum.
Kon Tum (theo tiếng Ba Na có nghĩa là Làng Hồ), mảnh đất ở phía Bắc Tây Nguyên từ xa xưa đã có con người cư trú với bằng chứng tiêu biểu là Di chỉ khảo cổ học Lung Leng thuộc hậu kỳ đồ đá cũ.
Với vị thế là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở Bắc Tây Nguyên, Kon Tum luôn là một trong những mục tiêu trọng yếu trong kế hoạch xâm lược của các thế lực ngoại xâm. Chính vì thế mà ngay sau khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy thống trị tại đây.
Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum, bao gồm một vùng đất đai rộng lớn ở khu vực Bắc Tây Nguyên nhằm tăng cường cai trị và khai thác tài nguyên tại vùng đất này. Tỉnh Kon Tum ra đời từ đó.
Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, Ủy ban nhân dân cách mạng Khu Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Plei Ku.
Bước vào công cuộc xây dựng, củng cố thành quả cách mạng sau năm 1975, tỉnh Gia Lai - Kon Tum gặp vô vàn khó khăn, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.
Mặc dù vậy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đứng vững trên mảnh đất địa đầu của “mái nhà” Đông Dương và đã đạt được những thành quả nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Lịch sử tỉnh Kon Tum lại được viết tiếp những chương mới hào hùng.
"Nhìn lại chặng đường 110 năm đầy oanh liệt, càng làm cho chúng ta hiểu và tự hào hơn về quá khứ, nhận biết đánh giá đúng hiện tại, tin tưởng vững chắc ở tương lai tươi sáng trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta nguyện làm cho sử vàng dân tộc mãi rạng ngời, xứng đáng với tổ tiên hàng ngàn năm hy sinh xương máu để đạt được mục tiêu cao cả là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang bày tỏ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu đáng trân trọng và tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Để tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới, ông Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Kon Tum tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06-10-2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững; chú trọng quy hoạch liên kết vùng. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum phải thực sự quan tâm, hành động mạnh mẽ hơn nữa trong trồng và bảo vệ rừng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, phải bảo vệ, gìn giữ thật tốt “chiếc áo màu xanh” của đại ngàn Tây Nguyên", ông Võ Văn Thưởng nói.
Bên cạnh đó cần chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, di sản văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch; tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các phong tục lạc hậu, không phù hợp. Bên cạnh đó, công tác phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được chú trọng đầu tư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Không ngừng xây dựng, gìn giữ, củng cố và vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang trân trọng cảm ơn các đại biểu đã về dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Đây là niềm vinh dự, nguồn động viên to lớn, định hướng quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn tới và xin lĩnh hội toàn diện, quán triệt sâu sắc, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả để xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận Thành phố Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum.
Bình luận