• Zalo

Thưởng thức cà phê Việt: Khuấy ly ký ức…

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 07/01/2016 07:38:00 +07:00Google News

Sự tinh tế chạm ngưỡng sẽ biến thành văn hóa. Cà phê là một thức uống có dấu ấn văn hóa đi cùng.

Sự tinh tế chạm ngưỡng sẽ biến thành văn hóa. Cà phê là một thức uống có dấu ấn văn hóa đi cùng.

Mời em vào quán thời gian….


Mỗi sớm mai thức dậy thế giới sẽ uống gì? Câu trả lời quá dễ: Cà phê!

Thức uống gì không chỉ để uống? Câu trả lời cũng quá dễ: Cà phê!

Thức uống gì dễ gây … mùi nhớ nhất? Tôi không nghĩ câu trả lời là của riêng tôi, gã trai Sài Gòn tóc đã muối tiêu: cà phê sữa đá Sài Gòn chính hiệu!

Đúng thế, cà phê không chỉ để uống, mà còn để thưởng thức. Để thưởng thức lại có trăm loại cà phê nhằm tìm một vị đậm ngon, một mùi thơm ngậy cho sở thích riêng, để đạt đến mức cuối cùng: chất tinh tế trong “sự uống” cà phê.
 

Khuấy ly ký ức…

Sự tinh tế chạm ngưỡng sẽ biến thành văn hóa. Cà phê là một thức uống có dấu ấn văn hóa đi cùng.

Người Pháp sáng chế ra cái filter và người Việt khi biết uống cà phê phi pha phin kiểu Việt, bèn nâng tầm lên thành văn hóa Việt chói lọi: thêm sữa đặc thành món cà phê sữa bất hủ đến tận hôm nay. Có kẻ nhờ “cái nồi trên cái cốc…” mà phát hiện rằng khi cái phin bị nghẹt, cà phê không chảy.

Đừng mở ra, đừng dùng đuôi muỗng cà phê mà “khơi dòng” nó. Hãy dùng lưng thìa chấm chút đường xoa nhẹ vào đáy phin; đường sẽ hút cà phê xuống ly nhanh và… điệu nghệ! Dân chơi uống cà phê phải có ngón nghề vậy mới thứ thiệt dân chơi!

Thì vậy, dân Sài Gòn trẻ già đều mê một món riêng cho cả hai mùa mưa nắng phương Nam: Cà phê sữa đá. Và từ đó cất cánh văn hóa lên một nét riêng của chất Sài gòn trong ly cà phê sữa đá.

Bọn thi sĩ giời đày như chúng tôi ở Sài Gòn có thể suốt ngày lang thang cà phê sữa đá, nhất là loại cà phê nguyên chất Buôn Mê Thuột thơm thuần túy cà phê cao nguyên Việt, lấy nước cốt đặc, rồi nêm thêm sữa ông Thọ chẳng hạn.

Vị thơm ngon đúng chất vừa giữ nguyên vị cà phê gốc, vừa hòa trộn cả vị đắng đót, nhung nhớ ngọt bùi, hệt như hương vị một cuộc tình đã xa không thể nào quên…

Cứ thế, chúng tôi chuyện trò nở như cơm gạo vàng, thổ lộ, trưng trổ cái văn hóa riêng biệt Sài Gòn uống cà phê sữa đá. Anh bạn Hà Nội ngồi uống với tôi một chiều Sài Gòn cả gió, đã thốt lên thán phục: Cà phê sữa đá của ông mời tôi thật… chất lừ! Anh chàng nhà báo ấy đã dùng tiếng lóng Hà Nội để chỉ sự đậm ngon của sữa trong cà phê và cà phê hòa cùng sữa cứ tan trong ly chứa đầy đá bào trắng lạnh, chỉ uống tại Sài Gòn, cạnh thi sĩ bạn hiền họ Đỗ là tôi, mới thú đến thế! Kể ra thì cũng chả quá lời, người ta uống cà phê sữa đá Sài Gòn có khi là uống cả một Sài Gòn nắng gió phương Nam chứ bộ?

Cà phê…ký ức…không gian

Cà phê và những “quán thời gian” ở Sài Gòn có liên quan gì đến thời đại internet? Có đấy, theo cách ít ai ngờ. Một ngày nào đó, khi ta đang yên vị tại gia, thư thái bên ly cà phê sữa đã tự pha, mở Facebook của mình, bỗng nhận được một tin nhắn “còn nhớ em, người ngày xưa từng ngồi cùng anh ở cái ghế mây hoa tím ấy? nó còn không? anh có thường ngồi đấy? anh còn nhớ tên em không?”.

Thế là ly ký ức được khuấy lên, thời gian lùi lại như cuộn phim đen trắng trở ngược rất nhanh. Ghế mây hoa tím của ngày xưa, một gương mặt hiện ra với tách cà nâu trong trẻo…Khung cảnh hoa tím xưa còn, nỗi bâng khuâng khẽ trở về, niềm xúc động quay lại rưng rưng…và dòng trả lời dịu dàng hệt như xưa “em đấy phải không ? anh còn nhớ chứ, sao không…” Đã từng có ly cà phê sữa đá Sài Gòn làm chứng cho nỗi bồi hồi vụng dại một thời, làm sao không nhớ!

Tôi nghĩ hôm nay người trẻ Sài Gòn yêu nhau đâu khác ngày xưa. Giữa đôi mái đầu xanh là hai ly cà phê sữa đá Sài Gòn chất lừ, nghĩa là được giữ nguyên hương vị căn cơ của cà phê phin tình cũ của tôi, hòa tan trong vị ngọt ngào của sữa đặc, thành ly cà phê sữa đá, khuấy lên từ chất cà phê thứ thiệt. Sài Gòn cà phê sữa đá, béo ngọt, đắng nhẹ, đá lanh canh, từng ngụm mát lạnh, rôm rả chuyện trò quên nắng nóng…

Mời em vào quán thời gian…

Gọi một ly cà phê, (đúng chất Sài Gòn cà phê sữa đá) – uống một chỗ ngồi

Và …khuấy ly ký ức – uống làn hương xưa…

Hay chứ nhỉ!

[ * ] Tên một bài thơ của Trương Nam Hương


Đỗ Trung Quân
Bình luận
vtcnews.vn