Thưởng Tết lớn nhất lên tới 1.5 tỷ đồng
Theo kết quả báo cáo từ 1.961 doanh nghiệp gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM, mức thưởng tết dương lịch năm 2018 cao nhất tại T PHCM là 1,5 tỷ đồng cho một cá nhân làm việc tại một ngân hàng có vốn đầu tư của nước ngoài.
Đây cũng là mức thưởng tết được cho là khủng nhất cho tới hiện nay được công bố. Tuy nhiên, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại thành phố này lại thuộc về một doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp này có mức thưởng là 855 triệu đồng.
Cũng trong thời gian này, Sở LĐ – TB và XH Hà Nội cũng vừa có báo cáo nhanh về lương và thưởng Tết của gần 4.300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, khối doanh nghiệp FDI vẫn dẫn đầu về lương và mức thưởng tết như những năm trước với mức thưởng cao nhất đạt 325 triệu đồng, tăng 120 triệu so với năm ngoái.
Là một trong những thành phố mũi nhọn trong tập trung phát triển kinh tế của cả nước, Đà Nẵng cũng công bố mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn khiến nhiều người nức lòng.
Tuy nhiên, thưởng tết Nguyên đán cao nhất tại đây, không phải thuộc về doanh nghiệp FDI như Hà Nội và Hồ Chí Minh mà là là các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, với số tiền 300 triệu đồng - dẫn đầu các loại hình doanh nghiệp tại Đà Nẵng và bằng mức thưởng Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015.
Một số tỉnh, thành phố khác cũng đã công bố mức thưởng Tết của địa phương mình như Cần Thơ, mức cao nhất đạt 466 triệu đồng hay Đồng Nai có mức cao nhất đạt 408 triệu đồng và Thanh Hóa, mức cao nhất đạt 200 triệu đồng.
Thấp nhất chỉ vài trăm nghìn
Trả lời báo chí, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết quy định về thưởng tết cũng như báo cáo về mức thưởng tết chưa được “luật hóa” thành các điều khoản cụ thể của luật lao động. Do vậy, mức thưởng tết có thể thay đổi cao hơn so với báo cáo.
Hy vọng rằng điều này là đúng bởi có nơi, doanh nghiệp báo mức thưởng tết cho nhân viên chỉ vài trăm nghìn. Ví dự như ở Thanh Hóa, mức thưởng thấp nhất hiện nay được đưa ra là 100 nghìn đồng/ 1 người hay tại Đà Nẵng, mức thưởng thấp nhất là 200 nghìn đồng/ 1 người.
Cá biệt, ở thành phố Hồ Chí Minh, trước khi nghỉ tết, người lao động còn đối diện với việc thất nghiệp do doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản như Công ty TNHH Dệt kim Fenix, KCX Linh Trung với 220 lao động, và 1 DN có chủ bỏ trốn là Công ty TNHH Lữ hành Du lịch Tiến Đạt (quận 2) có 20 lao động.
Video: Đà Nẵng thưởng tết cao nhất 300 triệu đồng, thấp nhấp 100 nghìn đồng
Nhưng theo báo cáo được gửi tới sở lao động, thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh thì mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp trong nước là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017.
Tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước thưởng cao nhất là 33,6 triệu đồng; thấp nhất là 4,1 triệu đồng. Các công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thưởng cao nhất là hơn 11,3 triệu đồng.
Một điều dễ nhận thấy là mức tiền thưởng tết có sự chênh lệch rất lớn giữa cao nhất và thấp nhất trong cùng một khối doanh nghiệp, và mức chênh lệch càng lớn khi so sánh giữa các khối doanh nghiệp và giữa các vùng kinh tế.
Như vậy, nhìn toàn cảnh, bức tranh thưởng tết năm nay không có nhiều biến động. Mức thưởng cao nhất có thể khiến nhiều người giật mình nhưng mức thấp nhất chắc chắn khiến nhiều người xót xa. Vậy là, tết này, ai cười, ai khóc, ai sầu, ai lo cũng đã rõ. Hy vọng rằng, năm tới, nền kinh tế sẽ có những bước tiến khả quan và rút ngắn mức thưởng giữa các doanh nghiệp, giữa các khu vực để người lao động có thể có cái tết sung túc, đầm ấm.
Bình luận