“Để giảm được bao bì nhựa thì phải bắt đầu từ suy nghĩ của người chủ doanh nghiệp đó chứ không phải một đề xuất mang tính phong trào, có thời hạn là xong” - chị Nguyễn Hạnh, chủ shop thời trang chia sẻ.
Trong thời đại công nghệ số, thương mại điện tử đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt, mang lại những tiện ích không thể phủ nhận cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa dùng một lần, trở thành thách thức lớn đối với môi trường.
Theo báo cáo của WWF, năm 2023, thương mại điện tử tại Việt Nam sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là bao bì nhựa. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 800.000 tấn vào năm 2030 nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng trực tuyến, thường sử dụng bao bì nhựa để bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, với ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao, người tiêu dùng đang kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững hơn.
“Mặt hàng của chúng tôi là thời trang nên yêu cầu đóng gói không chỉ bảo đảm sản phẩm còn nguyên vẹn mà còn phải đáp ứng tình thẩm mỹ. Vì vậy, đôi khi một sản phẩm áo/ quần nhưng phải 2 -3 lần túi bọc” - chị Nguyễn Hạnh, chủ shop thời trang ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết.
Thi thoảng chị vẫn bắt gặp những khách hàng để lại tin nhắn yêu cầu đóng gói ít túi nilong. “Bạn ấy hỏi rằng shop sẽ bọc bao nhiêu lớp và vật liệu là gì?” - chị Hạnh kể. Sau khi nghe mong muốn của khách, chỉ cần một lớp túi nilong bên ngoài và có thể dùng giấy báo cũ để gói hàng phía trong là được, chị Hạnh đã làm theo.
“Tôi nhận ra mình có thể thay đổi cách đóng gói đơn giản, tận dụng vật liệu từ giấy báo cũ mà vẫn an toàn cho sản phẩm” - chị Hạnh chia sẻ.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của bao bì nhựa đối với môi trường, việc áp dụng các giải pháp vừa thân thiện với môi trường vừa tiết kiệm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu, chị Nguyễn Hạnh mạnh dạn tham gia chương trình “giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử”.
“Tôi thấy chính khách hàng thúc đẩy mình phải hòa nhập với dòng chảy xã hội, chính mình phải thay đổi” - chị Hạnh nói. Hiện nay, chị Hạnh vẫn áp dụng cách đóng gói giảm bao bì nhựa từ 2-3 lớp xuống còn một lớp. Lớp lót bên trên sẽ là giấy báo cũ.
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng bao bì tái chế hoặc các loại vật liệu thân thiện với môi trường như giấy kraft, bìa cứng hoặc vật liệu sinh học có khả năng phân hủy. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa mà còn tạo dựng hình ảnh tích cực cho thương hiệu. Ví dụ, Tiki, Shopee, Lazada đang áp dụng các giải pháp bao bì tái chế trong các đơn hàng của họ, góp phần giảm thiểu lượng nhựa sử dụng.
Bên cạnh đó, việc thiết kế bao bì thông minh có thể giúp giảm thiểu số lượng vật liệu cần thiết. Các doanh nghiệp đang nghiên cứu và phát triển các giải pháp bao bì có thể gập lại, xếp chồng hoặc điều chỉnh kích thước theo sản phẩm. Điều này không chỉ giảm thiểu lãng phí mà còn tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ quán bán đồ ăn ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nêu thực tế, chính người bán cũng thấy lượng rác từ bao bì nhựa rất nhiều nhưng họ vẫn loay hoay cách giảm.
“Tôi ngoài bán trực tiếp còn bán trên các sàn, ngày cũng vài chục đơn online. Một xuất cơm gà, cần ít nhất 5 loại túi nhựa vì còn đựng các loại gia vị, rau, canh đi kèm. Trong khi đó, bán hàng trực tiếp không tốn một bao bì nào” - anh Vinh nói.
Cái khó của đồ ăn là khó dùng đồ tái sử dụng để đựng vì tạo cảm giác không sạch sẽ cho khách hàng. Vì vậy, khi tham gia chương trình “giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử” anh Vinh kỳ vọng rằng sẽ có giải pháp bao bì đối với mặt hàng đồ ăn.
Việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu bao bì nhựa không chỉ giúp doanh nghiệp trở nên thân thiện với môi trường mà còn tạo dựng hình ảnh tích cực. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường, điều này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Người tiêu dùng ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường, thường tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Việc giảm thiểu bao bì nhựa giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu này, từ đó tăng cường sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng.
Các doanh nghiệp cũng có thể hợp tác với các tổ chức môi trường để xây dựng các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa. Những mối quan hệ này không chỉ cung cấp kiến thức và nguồn lực mà còn giúp tăng cường uy tín của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng. Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia chương trình “giảm thiểu bao bì nhựa dùng một lần trong thương mại điện tử”.
Bình luận