Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên tại Hội nghị “Kết nối cung cầu và giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp-Phú Yên 2019” vừa tổ chức.
Chương trình do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), Fado phối hợp với Sở Công thương tỉnh Phú Yên tổ chức, Báo điện tử VTC News bảo trợ truyền thông.
Theo bà Bích, đây là cơ hội để các doanh nghiệp ở Phú Yên nói riêng, miền Trung và cả nước nói chung giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
“Kết nối thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Nếu biết kết hợp lợi thế thương mại truyền thống với thương mại điện tử, tiếp cận kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử có uy tín thì cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm của mình với thế giới là rất lớn”, bà Bích nói.
Tham gia hội nghị có gần 90 doanh nghiệp, trong đó có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sản xuất, 14 doanh nghiệp phân phối và 10 doanh nghiệp kết nối.
Tại Hội nghị, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và các nhà phân phối kết nối trực tiếp, tìm hướng phát triển sản phẩm không chỉ khu vực miền Trung, toàn quốc mà vươn ra thị trường thế gới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Công ty TNHH quà tặng và dịch vụ Lê Hằng (Phú Yên) cho biết, thương trường cũng là chiến trường, có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt nên không kết nối thì các doanh nghiệp rất khó tồn tại.
“Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm Lê Hằng, nhà phân phối hàng nông lâm-thủy-hải sản Phú Yên và bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Tham gia chương trình này, tôi hy vọng tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối những sản phẩm đặc trưng vùng, miền khu vực miền Trung đến với khách hàng cả nước”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, đối tượng hướng đến của Lê Hằng là khách du lịch nên việc kết nối với các sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng vùng, miền là rất quan trọng.
“Các nhà sản xuất cung ứng sản phẩm, chúng tôi giới thiệu sản phẩm ấy đến với khách hàng, đó là sự hợp tác thiết thực mà chúng tôi có thể tìm kiếm được tại hội nghị này”, bà Hằng hy vọng.
Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh Tâm chuyên cung cấp sản phẩm mang nhãn hiệu Hồng đẳng sâm (Tu Mơ Rông, Kon Tum) chia sẻ những khó khăn trong phân phối sản phẩm.
“Sản phẩm Hồng đẳng sâm của chúng tôi đảm bảo chất lượng nhưng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Chúng tôi tham gia hội nghị này với mong muốn tìm nhà cung cấp chuyên nghiệp để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước”, ông Thu nói.
Ông Thu cũng cho biết tham vọng của HTX Thanh Tâm là giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước với chất lượng tốt nhất và thương mại điện tử là kênh được đựa chọn.
Giải đáp thắc mắc này, đại diện Blockchain tại Việt Nam giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc công nghệ Blockchain theo Tiêu chuẩn GS1.
Chia sẻ với các doanh nghiệp tham gia hội nghị, ông Võ Văn Khanh, đại diện Vecom cho rằng, thương mại điện nghe thì xa vời nhưng thực tế rất đơn giản. Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối Internet, doanh nghiệp có thể kết nối với tất cả các khách hàng trên toàn thế giới.
“Chúng ta làm gì để sản phẩm của mình tiếp cận được với khách hàng một cách nhanh chóng nhất, ít tốn kém nhất? Giải pháp ấy là kết nối thương mại điện tử”, ông Khanh nói.
Ông Khanh dẫn chứng, để đạt được doanh thu 1 triệu USD, với phương pháp kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí, nhưng với thương mại điện tử, chi phí ấy giảm đi rất nhiều.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cũng được Ban tư vấn trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn nhiều giải pháp về tiếp cận thị trường, mẫu mã sản phẩm, hoạch định chiến lược kinh doanh...
Bình luận