• Zalo

Thương mại điện tử: Công khai bán hàng giả

Kinh tếThứ Năm, 22/11/2012 01:06:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bán hàng trên mạng, có nơi dùng chiêu lừa người tiêu dùng nhưng cũng có nơi công khai bán hàng giả.

(VTC News) - Bán hàng trên mạng, có nơi dùng chiêu lừa người tiêu dùng nhưng cũng có nơi công khai bán hàng giả.

Quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo

Là tín đồ của các website mua theo nhóm, chị Lê Phương không bỏ lỡ cơ hội mua hàng giá rẻ ở rất nhiều lĩnh vực từ ăn uống, vui chơi, giải trí tới làm đẹp. Cũng có dịch vụ khiến chị hài lòng nhưng có không ít dịch vụ khiến chị bức xúc.

Trên trang Vatgia.com còn dành hẳn một chuyên mục riêng quảng bá hàng nhái/giả.  
Năm ngoái, chị mua voucher tiêu mỡ bằng công nghệ cavitation và signerol loại bỏ 150ml mỡ bụng tại Pamas Spa. Theo giới thiệu của hotdeal, voucher này trị giá 1.765.000 đồng, giảm xuống chỉ còn 320.000đ. Thấy giá quá hời, chị Lê Phương vội vàng mua 2 phiếu để đi làm đẹp cùng bạn.

Chị kể, khi tới nơi, chị phải mất hơn 30 phút trò chuyện cùng nhân viên tư vấn. Nội dung của cuộc trò chuyện dài này hóa ra rất đơn giản. Nhân viên tư vấn kiểm tra vòng 2 của chị và phán chị thuộc dạng “mỡ cứng” nên thời gian điều trị khá lâu dài.

Chị Phương chia sẻ: “Tôi không quan tâm lắm thời gian điều trị kéo dài là bao lâu mà quan tâm tới… tốn bao nhiêu tiền. Tôi thực sự sốc khi cô nhân viên tiết lộ tổng chi phí mà tôi bỏ ra để làm bay hơi chỗ mỡ thừa là… 14, 15 triệu đồng”.

“Tôi không am hiểu lắm về vấn đề làm đẹp nhưng vẫn biết chắc rằng chỉ một lần điều trị chưa thể cải thiện được vòng 2. Tôi tính mua 2 voucher dùng thử nếu thấy ổn sẽ dùng thêm. Nhưng tôi vẫn chẳng thể tưởng tượng ra con số 15 triệu. Và tôi biết rằng một lần điều trị trị giá 320.000 đồng kia chẳng thể mang lại điều gì. Thật lãng phí!”.

Còn chị hientrang9392 lại lên mạng than thở về cú lừa online của mình. Chị cho biết chị đã mua voucher áo phông Rodier xuất khẩu sang Nhật trị giá 280.000 đồng, giảm giá chỉ còn 80.000 đồng trên Cungmua vì nhìn trên ảnh, áo đẹp lung linh và dày dặn.

Thế nhưng khi đi “lấy hàng”, chị mới té ngửa vì nơi bán áo là cửa hàng bán đồ lót, đồ bơi. Sờ vào “đống áo”, chị thấy chẳng khác gì “cái rẻ chùi chân”, chất vải thì toàn sợi poly mỏng te, kiểu áo khác hoàn toàn với những gì đã xem tận mắt trên cungmua. Chị đánh giá chiếc áo “xuất khẩu” đó “vừa xấu, vừa đểu không bằng cái áo 50.000 đồng ở ngoài chợ”. Với chị, mất 80.000 đồng không tức bằng cái cảm giác bị lừa đảo.

Chị Khánh Lý cũng rất băn khoăn khi có ý định lọ nước hoa Versace Crystal 90ml giá 299.000 đồng trên 168group.vn. Theo giới thiệu, giá gốc của sản phẩm là 875.000 đồng. Chị kiểm tra ở nơi khác thì giấy giá bán là gần 1,4 triệu đồng. Chị băn khoăn không biết liệu đây có phải hàng fake hay không.

Chị Hà cũng gặp kinh nghiệm “thương đau” khi mua hàng trên mạng. Sắp sinh nhật chồng, chị quyết định đặt một đôi giày Converse làm quà tặng. Sau khi khảo giá, chị thấy một website rao bán giày 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, các nơi khác bán hơn 2 triệu. Thấy rẻ chị gọi điện đặt hàng và được yêu cầu đặt cọc 500.000 đồng qua ATM. Ngay sau khi tiền được chuyển đi, điện thoại của người bán luôn ngoài vùng phủ sóng.

Không chỉ ưu ái điện thoại nhái, Vatgia.com còn dành 1 cate cho Laptop fake và có cả bình chọn hàng Fake nhất trong tuần.  

Bị lừa y hệt chị Hà nhưng thành viên của một diễn đàn có nick lylytrinh0904 lại “cay đắng” hơn nhiều vì… vẫn liên lạc được với người bán. Chị chia sẻ sau 3 ngày đặt, chị vẫn chưa nhận được hàng nên mới liên lạc lại thì được trả lời là hàng chưa tới. Sau nhiều lần liên lạc, chị bắt đầu nghi ngờ và hỏi thẳng là “lừa gạt à” thì nhận được câu trả lời “ngây thơ” đến không tưởng “Ừ” rồi cúp máy.

Công khai bán hàng giả

Sắp đi công tác, anh Nam vội vàng tìm trên mạng mua một chiếc ba lô Samsonite. Thấy rất nhiều nơi rao bán với giá siêu rẻ, anh biết chắc chắn đó là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn tặc lưỡi mua tạm vì không có nhiều thời gian. Anh nghĩ, hàng giả dù rởm đến đâu cũng dùng được vài tháng mới mới hỏng.

Thế nhưng không biết có phải do anh nhét quá nhiều đồ vào ba lô hay không mà ngay trong lần sử dụng đầu tiên, ba lô sút chỉ một mảng. Đen đủi ở chỗ, nó sút chỉ đúng chỗ anh để ví. Thế là anh mất hết giấy tờ và hơn 1.000 USD để trong ví.

Anh Nam cho biết mua được chiếc ba lô Samsonite rởm dễ như… lên mạng. Chỉ cần gõ Samsonite là google cho ra hơn 1 triệu kết quả. Điều đáng nói, các kết quả hiện đầu tiên đều là  Samsonite giá siêu rẻ chỉ từ hơn 100.000 đồng đến 400.000 đồng.

Samsonite giá siêu rẻ được rao bán tràn lan trên mạng 

Trong vai người mua hàng, phóng viên VTC News hỏi chiếc ba lô Samsonite (3 tầng) giá 168.000 đồng bảo hành 1 tháng của Pcnewsoft, một công ty phân phối máy tính rao trên vatgia. Nhân viên bán hàng cho biết đây là mức giá đã được giảm, “giá gốc” của sản phẩm này hơn 200.000 đồng.

Khi được hỏi với mức giá siêu rẻ như vậy, liệu đây có phải hàng… chính hãng không, nhân viên bán hàng “hồn nhiên” thừa nhận đây không phải hàng chính hãng nhưng chất lượng vẫn… đảm bảo.

Trả lời phóng viên VTC News, một nhân viên bán hàng của Samsonite tại Parkson cho biết giá thấp nhất của một sản phẩm Samsonite là 1,3 triệu đồng. Vì vậy những sản phẩm Samsonite  được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng chắc chắn là hàng giả.

Trước đây Samsonite từng cảnh báo  Samsonite là mặt hàng cũng bị hàng nhái, hàng giả tấn công. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhất cho người tiêu dùng phân biệt hàng giả là Samsonite chính hãng ở Việt Nam hiện chỉ có bán ở những địa chỉ uy tín là các trung tâm thương mại cao cấp.

Theo đại diện nhà phân phối Samsonite chính thức tại Việt Nam, tại bất kỳ nước nào trên thế giới có trạm bảo hành của thương hiệu Samsonite. Hàng chính hãng được bảo hành quốc tế từ 3 đến 10 năm. Trong khi hàng trên mạng chỉ được bảo hành khoảng 1 tháng.

Rất nhiều hàng cao cấp khác như Chanel, Louis Vuitton, Versace,… cũng được rao bán trên mạng với giá rẻ không ngờ. Chính vì rẻ nên các mặt hàng này nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng mạng. Và không ít trong số đó dính quả lừa “đau”.

Cả anh Nam, chị Hà đều công nhận trong nhiều trường hợp, khách hàng vì ham rẻ mà tự đưa mình vào bẫy. Chị Hà chia sẻ: “Thực ra chỉ cần suy nghĩ một chút thôi là đã có thể phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo. Hàng giá rẻ như thế thì lấy đâu ra đồ xịn. Tiền nào của nấy thôi”.

Tuy nhiên, chị Hà cho biết, cũng có những trường hợp, người bán ra tỏ ra rất sành sỏi khi lừa đảo người tiêu dùng. Không ít website đã dùng rất nhiều chiêu khẳng định hàng của họ là hàng xịn và bán ra với mức giá trên trời khiến không ít khác hàng rơi vào bẫy.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn