Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đau đầu về việc tìm hướng phát triển kinh doanh và làm thương hiệu để có thể đương đầu, chống chọi với “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”, cách mạng 4.0” – toàn những thứ “đao to búa lớn để có thể tìm cho mình chỗ đứng trên thị trường; Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên tục kêu gọi, truyền thông chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để giúp thúc đẩy nền sản xuất trong nước, cân bằng cán cân thương mại, giảm nhập siêu, thúc đẩy nền kinh tế bằng nội lực thì câu chuyện Khải Silk lừa dối khách hàng thực sự chấn động dư luận.
Hành vi cắt mác, dán nhãn “made in Vietnam” từ những sản phẩm được nhập về từ Trung Quốc của thương hiệu Khaisilk là một hành vi biểu hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về thương mại.
Vụ việc đó có thể được coi là một sự chà đạp lên nhân phẩm của những doanh nhân chân chính, làm xấu đi hình ảnh về cộng đồng doanh nhân Việt. Sự việc này có thể làm tổn hại thêm và tổn hại sâu sắc đến thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và làm tổn hại lòng tin của người tiêu Việt Nam đối với hàng Việt Nam mà Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp dày công sức vun đắp.
Thậm chí, hành vi đó có thể làm giảm lòng tin của các du khách nước ngoài đến Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bởi những thương hiệu lớn, những doanh nhân tầm cỡ cũng sẵn sàng kiếm tiền từ việc thiếu tôn trọng pháp lý, thiếu tôn trọng người tiêu dùng, thiếu tôn trọng thương hiệu Việt.
Người nước ngoài họ sẽ nghĩ gì khi biết rằng, họ đến Việt Nam, mua được một món hàng lưu niệm được làm từ đôi bàn tay tài hoa của người Việt, bằng phương pháp truyền thống… nhưng ôi thôi, họ ngã ngửa khi biết rằng đó là các sản phẩm công nghiệp được lấy hàng từ Trung Quốc, rồi gắn mác Việt Nam...
Gần 30 năm kinh doanh, kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động kinh doanh, trong đó có cả việc buôn gian bán lận, với hơn 50% số lượng sản phẩm được bán “trà trộn” là hàng Made in Việt Nam, giờ đây, vị doanh nhân đáng kính đã chính thức lên tiếng thừa nhận là đã bán hàng “Tàu” dưới nhãn Việt Nam trong nhiều năm, dưới xuất xứ sản phẩm là sản xuất handmade tại Việt Nam.
Đấy là chưa kể, doanh nhân Khải Silk thừa nhận trộn 50%, biết đâu con số không chỉ dừng lại ở đó. Hãy chờ các cơ quan chức năng kết luận, công bố.
Trước bê bối này, CEO Hoàng Khải cũng đưa ra lời xin lỗi người tiêu dùng, bồi thường người tiêu dùng, bằng status “tôi khóc” trên Facebook cá nhân nhẹ tựa lông hồng... Thật hài hước và cũng thật đúng sách lược “gỡ rối khủng hoảng truyền thông” mà mấy ngày nay có lẽ thương hiệu đã phải tìm đến các chuyên gia để làm chiến lược tư vấn vụ việc “rối như tơ lụa”.
Nếu ở nước ngoài, nơi pháp luật tôn nghiêm, minh bạch, hành vi này có thể khiến doanh nghiệp bị điều tra pháp lý: tìm hiểu về quá trình nhập hàng của doanh nghiệp (chính ngạch hay tiểu ngạch), quá trình bán hàng, kê khai thuế (thuế kinh doanh, thuế nhập khẩu…), xem xét về vấn đề gian lận thương mại (hành vi làm giả “made in”)…, chứ không chỉ đơn thuần là lời xin lỗi muộn màng đầy toan tính “xử lý khủng hoảng truyền thông thương hiệu” của CEO.
Thậm chí, hàng vạn người từng sử dụng sản phẩm của Khải Silk có thể sẽ biểu tình, tẩy chay ngay lập tức.
Một doanh nghiệp nhận làm đại lý phân phối độc quyền cho một thương hiệu sản phẩm chính hãng là bếp (bếp từ, bếp ga, bếp công nghiệp…) của một thương hiệu lớn đến từ châu Âu. Doanh nghiệp thực hiện việc nhập khẩu hoàn toàn hợp pháp, nộp thuế đầy đủ, và bán toàn bộ lô hàng sang tay cho một nhà phân phối.
Nhà phân phối bán hàng như thế nào đấy là việc của nhà phân phối. Doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng, độc quyền đó, đặt sản xuất một lượng hàng hóa dưới nhãn hiệu của thương hiệu đó tại Trung Quốc với chất lượng hàng hóa “một 9 một 10” và nhập về Việt Nam bán với giá chính hãng. Bạn hãy tưởng tượng, lợi nhuận là gấp đôi, gấp ba lần so với việc kinh doanh chính hãng.
Video: Hà Nội: Thu giữ hàng nghìn đôi giày không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trước đây, làn sóng bán hàng nhập từ Trung Quốc về theo đơn hàng đặt may riêng tại Trung Quốc dưới thương hiệu Uniqlo (hàng giả) và ghi rõ là made in Việt Nam (gian lận thương mại), sau đó nhập về Việt Nam (qua đường nào thì tôi không được rõ) và bán tại thị trường Việt Nam dưới cái nhãn “hàng Việt Nam xuất khẩu” và rất tự tin bởi về chất liệu y hệt, bao bì nhãn mác y hệt, tem chống hàng giả y sì (nói theo lời của dân làm thời trang là “check code” thoải mái không phát hiện được).
Người tiêu dùng không ngại tiêu dùng hàng Made in China, bởi vì Apple sản xuất linh kiện, lắp rắp các thiết bị của họ tại China nhưng họ vẫn là thương hiệu được khao khát số 1 thế giới. Rất nhiều hàng hiệu thời trang, phụ kiện thời trang phân khúc trung và cao cấp ghi xuất xứ Made in China vẫn bán chạy ầm ầm.
Thậm chí, rất nhiều hàng nội địa châu Âu, nội địa Nhật Bản vẫn ghi Made in China, bởi các nhà bán lẻ châu Âu, Nhật Bản đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng đạt tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu.
Hoàn toàn không có vấn đề gì cả.
Vấn đề duy nhất đó là hành vi gian lận thương mại và sự lừa dối người tiêu dùng là đáng lên án và cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc bởi chính người tiêu dùng và các cơ quan có thẩm quyền, nếu không, nó sẽ làm xói mòn nền sản xuất, thương mại và lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân Nguyễn Phan Anh – Giảng viên/Chuyên gia Online Marketing
Bình luận