7 tháng sau G-20 ở Argentina, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập hội ngộ ở Nhật Bản. Tương tự như ở Buenos Aires, ám ảnh thương chiến Mỹ-Trung cũng phủ bóng lên G-20 tại Osaka, cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ-Trung trở thành điểm nhấn của toàn bộ hội nghị với những ánh mắt dõi theo sát sao.
Tháng 12 năm ngoái ở Nam Bán cầu, lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngồi xuống ăn tối và làm việc hơn 2 giờ đồng hồ. Theo sau đó là một thỏa thuận đình chiến nêu rõ 2 bên hoãn áp thuế lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày. Diễn biến này vào thời điểm đó được đánh giá là "cú hãm phanh" kịp thời khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang căng thẳng vào thời điểm đó.
Tháng 6 ở Bắc Bán cầu, sau cuộc gặp kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, 2 siêu cường đồng ý nối lại đàm phán, Mỹ tiếp tục tuyên bố không áp thêm thuế quan. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thị trường, các công ty trên toàn cầu và những ai lo sợ Trung Quốc và Mỹ "dắt tay nhau" vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới.
Nhưng, vui mừng chưa le lói được bao lâu, người ta nhận ra rằng, không có quá nhiều kỳ vọng vào cú "hãm phanh" lần hai của lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhất là sau khi phân tích kỹ càng những gì mà họ đạt được trong cái gọi là "thỏa thuận ngừng bắn".
Chi tiết về những gì mà 2 nhà lãnh đạo thảo luận về đồng thuận sau cuộc họp 80 phút quá ít ỏi. Bất ngờ lớn nhất là tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ cho phép các công ty công nghệ của mình tiếp tục bán linh kiện cho Huawei.
Sự nhượng bộ này khiến nhiều nghị sỹ Mỹ lo lắng. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio thậm chí gọi động thái này là "sai lầm thảm khốc", đảo ngược các lệnh trừng phạt gần đây với gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.
Nhưng theo cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, các linh kiện mà Huawei được phép tiếp cận trở lại chỉ là các mặt hàng phổ thông, bán nhan nhản ở nhiều nơi chứ không phải các sản phẩm nhạy cảm về an ninh quốc gia.
Thêm vào đó, Huawei vẫn tiếp tục nằm trong danh sách đen của Mỹ như một mối đe dọa an ninh tiềm tàng. Ông Kudlow khẳng định Mỹ đã "ban" cho Huawei một "lệnh ân xá" nhưng không phải toàn diện.
Chi tiết còn lại được ông Trump thông báo sau cuộc họp là việc 2 nước nhất trí nối lại đàm phán vốn gián đoạn từ đầu tháng 5. Mỹ cũng đồng ý không áp thêm thuế quan trong quá trình đàm phán giống như điều kiện tiên quyết mà Bắc Kinh đưa ra trước khi đàm phán. Nhưng việc ngừng tất nhiên không đồng nghĩa với hủy bỏ. Bản thân Tổng thống Trump ngay trong tuyên bố không áp thuế cũng khẳng định không xóa bỏ thuế quan với Trung Quốc.
Ở Argentina, Mỹ cho Trung Quốc 3 tháng, còn ở Nhật Bản, không có một thời hạn nào được đặt ra. Tức là chỉ cần một xích mích nhỏ trong quá trình đàm phán, Tổng thống Trump vẫn có thể tiếp tục nối dài các đe dọa đánh thuế của mình.
Ngay từ khi nổ phát súng khơi mào thương chiến với Mỹ, Tổng thống Trump không hề giấu diếm quan điểm của mình. Ông tập trung vào thặng dư thương mại của Mỹ với Trung Quốc, tìm cách buộc Trung Quốc mở cửa thị trường đón nhận các công ty nước ngoài, giải tuyết tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và một loạt các khoản trợ cấp làm nền tảng cho mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Cuộc xung đột thương mại hiện tại giữa Mỹ-Trung cũng đặt ra một cuộc chiến công nghệ khốc liệt không kém giữa 2 nước. Washington ngày càng hạn chế và nâng cao giám sát với các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ. Bắc Kinh trong khi đó tuyên bố đưa vào danh sách đen các công ty nước ngoài cắt nguồn cung với các công ty Trung Quốc. Cả 2 nước đang cùng phát triển các kế hoạch đặc biệt nhằm kiềm chế sự phụ thuộc của công nghệ vào bên kia.
Vấn đề này không rõ có được đả động trong cuộc gặp của Trump-Tập hay không nhưng giới quan sát cho rằng hơn 1 giờ là không đủ để dung nạp thêm nó và có thể chính nguyên thủ 2 nước cũng không muốn mang vấn đề trên đề cập.
Theo Ecocomist, xét vào động lực chính trị hiện tại, rất khó để các cuộc đàm phán vừa quay trở lại đường ray giữa Mỹ-Trung có thể nhanh chóng dẫn tới một thỏa thuận. Tổng thống Trump vừa khởi động chiến dịch tái tranh cử cách đây không lâu, ông chắc chắn vẫn muốn ghi điểm với cử tri bằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc mà ông theo đuổi xuyên suốt nhiệm kỳ của mình.
Ở Trung Quốc, sau sự cố đàm phán vào đầu tháng 5, truyền thông nước này tung ra hàng loạt các bình luận phê phán Mỹ, kêu gọi người dân chuẩn bị cho một chiến dài hơi và khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ chùn bước. Vì vậy, kể cả khi Chủ tịch Tập muốn nhượng bộ, sẽ có không ít người bằng mặt không bằng lòng.
Nhiều người cho rằng khi cả 2 bên thấm mệt sau những ngày đối đầu "đổ máu", những con số bết bát từ thị trường, họ có thể suy nghĩ lại cho toàn cục. Nhưng Tổng thống Trump cho tới nay vẫn thích những gì mà ông thấy: chứng khoán Mỹ đạt các mức kỷ lục, kinh tế Mỹ đang sống khỏe.
Về phần mình, dù được đánh giá là ngấm đòn nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại nhưng các chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung Quốc cũng đang thay đổi theo hướng tăng trưởng. Do đó ở thời điểm hiện tại, cả 2 quốc gia vẫn đang rất hừng hực ý chí và không cảm thấy quá nhiều gánh nặng từ vấn đề kinh tế.
2 ngày sau cuộc gặp mặt ở Osaka, Tổng thống Trump tuyên bố bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc đều phải có lợi cho Mỹ và sẽ không có thỏa thuận 50-50 với Trung Quốc.
Khẳng định này chẳng khác nào một "cái tát" vào tuyên bố cách đây vài tháng của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng Bắc Kinh sẽ chỉ tiến tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ đáp ứng được 3 điều kiện là dỡ bỏ tất cả rào cản thuế quan, lập mục tiêu mua hàng hóa Trung Quốc phù hợp với yêu cầu thực tế và đảm bảo rằng, các điều khoản trong thỏa thuận là “cân bằng” để đảm bảo quyền lợi của cả hai quốc gia.
Bình luận