• Zalo

Thuộc lòng những biểu hiện của khối u ác tính này để đi khám ngay kẻo muộn

Tư vấnChủ Nhật, 14/08/2022 19:07:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dưới đây là những biểu hiện của khối u ác tính các bạn cần nhận biết sớm để điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng mới đi khám.

BSCKI. Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, khối u hình thành khi một tập hợp nhóm nhiều tế bào tăng sinh quá mức và phát triển không theo quy luật tự nhiên. Đó có thể là u lành tính hoặc u ác tính. 

Khối u ác tính hay còn gọi là ung thư sẽ phát triển bất thường, lâu ngày nó chèn ép và xâm lấn các tổ chức xung quanh, phá hủy cả các mô khỏe mạnh và có thể di căn tới những bộ phận khác trong cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm thì có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Các biểu hiện của khối u ác tính

Ở thời kỳ đầu, khối u ác tính thường ít khi gây nên những triệu chứng điển hình và không rõ rệt. Phần lớn bệnh nhân sẽ nhận ra những bất thường trong cơ thể khi khối u đã phát triển lớn và có dấu hiệu lan rộng, tác động vào các mạch máu, cơ quan và dây thần kinh dẫn đến các biểu hiện khó chịu. Phụ thuộc vào khu vực khối u xuất hiện và loại ung thư mà bạn mắc phải sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.

Thuộc lòng những biểu hiện của khối u ác tính này để đi khám ngay kẻo muộn - 1

Đặc điểm của u ác tính so với u lành tính.

Ngoài biểu hiện cục bộ, tế bào ung thư còn gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân. Cụ thể:

  • Các biểu hiện cục bộ: khối u sưng tấy, chảy máu và xuất hiện cơn đau cấp tính thường xảy ra ở những khối u chưa di căn.
  • Triệu chứng di căn: phì đại các hạch bạch huyết, u phổi hoặc u gan.
  • Biểu hiện toàn thân: đổ nhiều mồ hôi nhất là vào ban đêm, mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân,... đây có thể là những biểu hiện của nhiều bệnh lý khác, trong đó bao gồm cả ung thư.

Đặc điểm về tính chất và hình thái của khối u ác tính:

  • Tốc độ phát triển nhanh, có khả năng lan rộng, xâm lấn các mô lân cận và lây lan sang những vùng khác của cơ thể.
  • Có thể thâm nhập vào hệ tuần hoàn máu và bạch huyết.
  • Sau khi điều trị vẫn có thể tái phát, đôi khi là xuất hiện tại cơ quan  khác.
  • Khối u ác tính thường tiết ra những chất khiến bệnh nhân mệt  mỏi và giảm cân (còn gọi là hội chứng paraneoplastic).
  • Ở những tế bào có ADN và nhiễm sắc thể bất thường thì hạt nhân thường lớn, tối và nhìn chung sẽ có hình thù dị dạng.

BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, mặc dù vẫn chưa thể giải thích được chính xác nguyên nhân khiến khối u ác tính hình thành là gì, nhưng những yếu tố như hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia; thừa cân, béo phì; chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ăn nhiều đồ dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn,...; ít vận động, tập luyện thể dục thể thao; yếu tố di truyền; tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường được cho là tác nhân làm tăng nguy cơ dẫn tới sự tăng sinh bất thường của các tế bào trong cơ thể. 

Các biện pháp chẩn đoán và điều trị khối u ác tính 

Thông qua thăm khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và lối sống của bệnh nhân, nếu nghi ngờ người bệnh có khối u thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu và sinh thiết khối u: kết quả giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư. Các xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá thể trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, các xét nghiệm marker ung thư cũng khá quan trọng trong việc theo dõi và quản lý khối u ác tính.
  • Chẩn đoán hình ảnh: các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, MRI, CT, quét xương,...  sẽ được tiến hành để quan sát hình ảnh khối u.
  • Thăm dò chức năng: các chỉ định thăm dò chức năng có thể phục vụ chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm và có thể điều trị ở một số trường hợp.

Nếu khối u ác tính được chẩn đoán và phát hiện từ giai đoạn sớm thì cơ hội điều trị khỏi là rất cao. Tuy nhiên nếu chúng đã xâm lấn sâu rộng vào tổ chức mô và lan rộng sang những khu vực khác thì sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho công tác điều trị. Khối u ác tính hay ung thư giai đoạn cuối còn có thể khiến bệnh nhân tử vong. Dựa trên tình hình sức khỏe của bệnh nhân và tình trạng hiện tại của khối u bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. 

Các phương pháp điều trị ung thư được áp dụng phổ biến hiện nay:

Phẫu thuật: khối u sẽ được loại bỏ tận gốc nếu bệnh đang ở giai đoạn sớm, mới phát triển khu trú tại vùng chưa lan rộng sang khu vực khác.

Hóa trị và xạ trị: hai phương pháp này có thể được chỉ định điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp trước hoặc sau phẫu thuật. Điều này giúp ngăn  chặn tình trạng khả năng khối u tái phát, tăng tỷ lệ khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Điều trị nhắm trúng đích: so với 3 phương pháp nêu trên thì đây được coi là giải pháp mới áp dụng cho những loại ung thư chuyên biệt. Một số loại thuốc mới sẽ được sử dụng để giúp bệnh nhân chọn lọc, tiêu diệt các tế bào ung thư một các chính xác. Khác với hóa trị và xạ trị thì nhóm thuốc này không gây ảnh hưởng tới tế bào khỏe mạnh, bảo tồn được các mô lành và sức khỏe cho bệnh nhân. 

Nhìn chung, ung thư vẫn là một nỗi lo lớn không chỉ đối với riêng những người bệnh mà còn là gánh nặng cho nền y tế của mọi quốc gia. Việc nắm bắt được các biểu hiện của khối u ác tính sẽ giúp chúng ta dễ dàng phát hiện sự tồn tại của ung thư, từ đó đi thăm khám và điều trị từ sớm. Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã đem lại cơ hội sống sót cho rất nhiều người.

"Do vậy, duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và tập luyện hợp lý và thực hiện tầm soát ung thư hàng năm sẽ giúp bạn phòng tránh được nguy cơ mắc ung thư, nếu khối u ác tính có dấu hiệu phát triển thì bạn cũng có thể được chẩn đoán ngay từ giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi là rất cao", BSCKI. Vũ Thanh Tuấn nói.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn