Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 82% số người hút thuốc lá trên toàn thế giới và vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy: Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, tức là cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.
PGS Nguyễn Nghiêm Luật nguyên Trưởng bộ môn Hóa-Sinh trường Đại Học Y Hà Nội cho biết, khoa học đã xác định được hơn 5.300 hóa chất trong khói thuốc lá, trong đó có hơn 70 hóa chất là các chất gây ung thư (carcinogen) và hàng ngàn chất khác là các hóa chất độc và có hại cho sức khỏe, chẳng hạn như carbon monoxide (CO), hydrogen cyanide (HCN) và ammonia (NH4+).
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất thuốc lá, người ta còn đưa vào thuốc lá rất nhiều phụ gia khác nhau nhằm hấp dẫn người hút thuốc lá, trong đó có chocolate, vani, đường và cam thảo cũng như nhiều loại thảo mộc và gia vị...
Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính của Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư..
Những chất độc trong thuốc lá khiến thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động. Những căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới, chiếm 28% tổng số ca tử vong.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600.000 người tử vong do thường xuyên phải hít phải khói thuốc lá thụ động. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Chỉ tính riêng các ca ung thư phổi, mỗi năm nước ta có khoảng trên 20.000 ca mắc mới và hơn 17.000 người tử vong do căn bệnh này. Điều đáng nói, số người mắc căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa và chủ yếu do ảnh hưởng từ hút thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam đã phải bỏ chi phí hơn 23.000 tỷ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, người Việt vẫn dành ra 22.000 tỷ đồng mua thuốc hút mỗi năm.
Nếu phòng chống được tác hại của thuốc lá, nhiều người sẽ được cứu sống.
Theo nghiên cứu, nếu người nghiện thuốc lá bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Sau khi bỏ thuốc được 1 năm sẽ giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Video: Tài xế ung dung hút thuốc lá, lái xe bằng chân
Bình luận