1. Tôi từng nghe câu chuyện về một đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Khi được hỏi về thế mạnh của doanh nghiệp ấy trên thị trường khắc nghiệt hiện nay, chủ nhân của nó không ngần ngại khẳng định: thế mạnh của họ khi kinh doanh thực phẩm là "sạch". Họ tin tưởng tạo ra thực phẩm sạch và người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm của họ vì sự sạch sẽ đó.
Bất giác tôi giật mình. Sự sạch sẽ vốn là tiêu chí đương nhiên của thực phẩm. Khi anh bán mặt hàng của mình, anh phải đảm bảo sản phẩm ấy sạch sẽ, tin cậy và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đấy là điều đương nhiên. Không doanh nghiệp kinh doanh thuốc nào lại cho rằng thế mạnh của mình lại là bán những loại thuốc... không gây chết người. Khi doanh nghiệp đánh giá "sạch" là thế mạnh cho sản phẩm của họ, điều đó đồng nghĩa thị trường sản phẩm hiện nay đang "nhiễm bẩn".
Bẩn đến mức, một điều tối thiểu như "sạch" lại trở thành thứ để người ta tự hào.
Nói đến sạch, tôi lại nhớ đến lời khen của giới truyền thông khi nói về thế hệ cầu thủ tài năng của HLV Park Hang Seo. Khen về kỹ - chiến thuật, thể lực, tinh thần hay đạo đức thì không nói, đây lại khen lứa cầu thủ này được yêu mến bởi sự sạch sẽ, trung thực hiếm thấy. Tức là với bóng đá Việt Nam, nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, một lứa cầu thủ thắng, thua là do... chuyện thường tình của bóng đá, chứ không phải do vấn đề "ngoài luồng" nào tác động, đó đã là điều đáng khen.
Khi khen ngợi tuyển Việt Nam hiện tại trong sạch, phải ngầm hiểu rằng nhiều thế hệ trong quá khứ từng bào mòn niềm tin khán giả bởi những vết nhơ cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Vì như thế, cái "sạch" mang hàm nghĩa đầy tường minh ở đây lại trở thành cái đáng tự hào.
2. Thực tế, chúng ta thường bắt gặp những lời khen tương đối buồn cười, như thực phẩm sạch, thế hệ cầu thủ "sạch", hay... nhặt được của rơi trả lại người mất là hành động hiệp nghĩa, đáng tuyên dương. Những thứ tưởng như tối thiểu, đương nhiên phải có, bỗng dưng trở thành điều đáng tự hào khi hệ quy chiếu của những thứ xung quanh còn đứng dưới cả mặt bằng tối thiểu của xã hội. Những lời đánh giá, nhận định, khen chê thường dựa vào nội tại thì ít, mà dựa vào thước đo là những quy chuẩn xung quanh thì nhiều.
Vậy nói về khen chê, khi một tờ báo quốc tế chê bóng đá Việt Nam vô danh, gồm những cầu thủ vô danh, HLV vô danh, thế mà cũng mơ... vô địch Asian Cup, chúng ta nhìn thấy được gì?
Rất nhiều người phẫn nộ. Đúng. Khi báo chí châu Á đang đưa bóng đá Việt Nam lên mây, nhận định đội bóng của thầy Park là một trong những "ẩn số" ở Asian Cup, một tờ báo lại ngược dòng thời cuộc để đưa ra những bình luận khiếm nhã, coi thường. Trong buổi nhận định cục diện Asian Cup, huyền thoại Xavi còn đánh giá tuyển Việt Nam sẽ không có "cửa" vượt qua vòng bảng.
Hay nói về mục tiêu đặt cho tuyển Việt Nam ở Asian Cup, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng mục tiêu thiết thực nhất cho các cầu thủ là vượt qua vòng bảng với vị thế một trong bốn đội xếp thứ ba có thành tích xuất sắc nhất. Tức là nếu Asian Cup giữ nguyên thể thức 16 đội - hai đội nhất nhì mới vượt qua vòng bảng như trước đây, Quang Hải cùng các đồng đội sẽ không có cơ hội đi tiếp, dù 12 năm trước, tuyển Việt Nam đã kiên cường giành vé vào tứ kết và chỉ chịu thua Iraq - đội lên ngôi vô địch sau đó.
Đương kim Á quân U23 châu Á, hạng Tư ASIAD, vô địch AFF Cup, sao lại... khiêm tốn và bị đánh giá thấp như thế?
3. Bởi vị thế bóng đá Việt Nam trước giải đấu này không được xây dựng bằng thành công của những Quang Hải, Đình Trọng, Văn Đức tạo ra trong hơn một năm qua. Ngoài những lời khen theo kiểu "đại trà" của Fox Sports Asia, ESPN hay nhiều tờ báo Hàn Quốc - vốn quan tâm HLV Park Hang Seo hơn, phải thừa nhận tên tuổi bóng đá Việt Nam chưa được nhìn nhận theo kiểu "phổ cập" ở đấu trường châu lục.
Một đội tuyển đứng thứ 100 thế giới, lần gần nhất đá Asian Cup đã cách đây 12 năm. Một đội tuyển chưa từng lọt vào vòng loại World Cup cuối cùng, đến từ khu vực "vùng trũng", mà đại diện tiêu biểu nhất là Thái Lan cũng bị "hành" tơi tả khi gặp các đội mạnh. Một đội tuyển chưa từng có tiếng vang cho đến trước một, hai năm trở lại đây, rõ ràng đội bóng ấy chưa thể gọi là có vị thế ở sân chơi châu Á. 18 trận bất bại chỉ là con số để tham khảo.
Ở châu Á, nhóm đội bóng hàng đầu, luôn là ứng viên vô địch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Iran hiển nhiên được coi trọng nhất. Iraq, Uzbekistan, Jordan hay Trung Quốc, Qatar, UAE có chi tiền tấn, cũng chỉ là những đại diện hạng hai, được đánh giá là đủ sức tạo bất ngờ. Nhóm các đội còn lại chỉ được nhận định là "đang phát triển", cần thêm thời gian để tranh chấp thứ hạng cao.
Bóng đá Việt Nam không được đánh giá cao, nếu có, thì xin khán giả cũng đừng buồn, bởi đó là lỗi của những "tiền bối" đi trước - những người không đủ hay, đủ giỏi để khiến người hâm mộ nở mày nở mặt. Lỗi của cơ chế bóng đá với giải VĐQG mãi không chuyên nghiệp, lỗi của các CLB V-League không mặn mà với các giải đấu của AFC, hay lỗi của hệ thống đào tạo trẻ thiếu sự đầu tư, chăm chút. Bóng đá Việt Nam tụt lại quá lâu, mà thành công của lứa cầu thủ hôm nay chỉ mang đến nguồn động viên nhất thời.
Còn để xây dựng vị thế, e rằng một cánh én chưa làm nên mùa xuân. Vị thế mới của bóng đá Việt Nam đòi hỏi sự phát triển tổng lực của cả nền bóng đá.
4. Do đó, cũng như tiêu chí "sạch" của thực phẩm, khi tiêu chí vượt qua vòng bảng là điều quá... bình thường với 1/3 số đội dự Asian Cup năm nay, hãy cứ xem nhiệm vụ này, nếu được hoàn tất, sẽ là kỳ tích của bóng đá Việt Nam. Xem tiêu chuẩn đương nhiên của các đội khác là kỳ tích với mình, đó không phải điều đáng xấu hổ.
Mà điều ấy, có khi lại giúp chúng ta soi chiếu lại mình. Một nền bóng đá đang trên đà đi lên, và sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều. Vị thế của bóng đá Việt Nam phải được xây dựng ngay bây giờ với tất cả những nhân tố cấu thành nên nó. Các học trò của thầy Park đủ sức tạo nên bất ngờ, nếu chơi tập trung, quyết tâm và cộng thêm một chút may mắn.
Hãy để tuyển Việt Nam, nếu dự Asian Cup sau đây bốn năm nữa, sẽ được nhận định với vị thế khác, lớn mạnh hơn, giàu tiềm năng hơn. Thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng không thể đảo chiều quá khứ, song họ đủ sức tạo nên chiến quả để kiến tạo cho tương lai.
>>> Đọc thêm: Tuyển Việt Nam đến UAE, CĐV hát mừng sinh nhật HLV Park Hang Seo
Bình luận