Vì sao người tiêu dùng vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại thực phẩm và chất phụ gia được bán trên thị trường trong dịp Tết?
Còn nhiều lo lắng
Theo các đơn vị tham gia quản lý ATVSTP, công tác quản lý thực phẩm trên địa bàn thành phố đã được siết chặt, các đơn vị tích cực giám sát chất lượng thực phẩm tại ba chợ đầu mối nông sản của thành phố là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Các loại rau, củ, quả, thịt, cá đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết, mỗi ngày, ba chợ đầu mối của thành phố nhập khoảng 1.766 tấn rau, củ, quả từ các địa phương khác về. Để có nguồn thực phẩm sạch, thành phố đã phối hợp các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long xây dựng 7 chuỗi sản phẩm an toàn, gồm: cà rốt, khổ qua (mướp đắng), cải bắp, trà, rau muống hạt và dưa leo.
Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. |
Từ đầu năm đến nay, chi cục đã tiến hành kiểm tra 4.826 mẫu và phát hiện 14% số mẫu có dư lượng hóa chất nhưng ở mức cho phép. Cùng với đó, các loại rau, củ, quả sản xuất tại địa bàn thành phố cung ứng khoảng 40% số nhu cầu về mặt hàng này của người tiêu dùng thành phố đã được quản lý tốt. Các lực lượng chức năng thường xuyên giám sát việc sản xuất nên có thể yên tâm về chất lượng nguồn thực phẩm này.
THEO Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm chất lượng thực phẩm cho người dân, chi cục đã tăng cường công tác kiểm nghiệm, giám sát các loại thực phẩm. Tính riêng 11 tháng đầu năm 2014, chi cục đã giám sát hơn 19.000 mẫu thực phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó có 13,8% số mẫu không đạt.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Thái Hòa lưu ý, thời điểm trước Tết Nguyên đán nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, nguy cơ nhiều sản phẩm sản xuất trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường cũng nhiều hơn.
Vì vậy, trước và trong dịp Tết Nguyên đán, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, thành phố sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Qua tìm hiểu, nhiều người dân vẫn lo lắng về chất lượng thực phẩm hiện nay. Chị Nguyễn Tuyết Nhung, ngụ quận Gò Vấp băn khoăn: “ Mỗi lần đi chợ mua đồ ăn là sợ lắm. Nghe nói thịt heo thì họ bơm nước, rồi trái cây để vài tháng không hư, rau phun thuốc cho xanh mướt. Tôi đi chợ chỉ dám mua đồ ở những hàng quen thôi. Mình không tinh tường, rất dễ mua phải thực phẩm không an toàn. Mong Nhà nước quản lý cho tốt để người dân yên tâm khi dùng thực phẩm”.
Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý ATVSTP đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng người dân vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng thực phẩm. Vẫn còn những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, vẫn còn tình trạng hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Vấn đề ATVSTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, vì vậy phải siết chặt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này một cách đồng bộ; đặc biệt, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, công tâm khi thực hiện nhiệm vụ.
Tập trung quản lý phụ gia thực phẩm
Một trong những vấn đề gây nhiều lo lắng cho người dân hiện nay là tình trạng sử dụng phụ gia, hóa chất không bảo đảm trong thực phẩm.
Nhiều loại gia vị của Trung Quốc, Thái Lan với giá rẻ được bày bán trên thị trường. |
Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 150 trong tổng số 164 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố và phát hiện 19 cơ sở có vi phạm; đơn vị đã lấy 93 mẫu thực phẩm có nguy cơ mất ATVSTP cao để kiểm tra phụ gia, hóa chất và đã phát hiện 13 mẫu, chủ yếu là chả lụa, có dùng phoóc-môn, hàn the.
Quận 5 là địa bàn tập trung đông các cơ sở buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, trong đó chợ Kim Biên có 17 sạp kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là công tác quản lý các cơ sở kinh doanh khu vực chung quanh chợ này.
Phó Phòng Y tế quận 5 Trịnh Thị Phương Thảo cho biết, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh hóa chất hiện nay gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, thiếu tập huấn và kiến thức chuyên môn. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh hóa chất thì tìm mọi cách đối phó.
Để thuận lợi trong việc quản lý hóa chất, phụ gia thực phẩm, UBND quận 5 đã vận động các cơ sở kinh doanh mặt hàng này tập trung về buôn bán tại Trung tâm thương mại Đông Phương, nhưng các tiểu thương không đồng tình vì tiền thuê mặt bằng cao hơn, vị trí không thuận tiện như tại chợ Kim Biên…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cho rằng, việc kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm đang gây bức xúc trong dư luận, nhất là khu vực chung quanh chợ Kim Biên (quận 5). Trách nhiệm quản lý ngành là Sở Công thương và quản lý địa bàn là quận 5. Do vậy, Sở Công thương thành phố phải khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng khu vực kinh doanh hóa chất tập trung thích hợp nhất.
Theo Báo Nhân dân
Bình luận