• Zalo

Thực phẩm bạn đang ăn có làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Tư vấnChủ Nhật, 24/07/2022 08:12:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Một nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên khoảng 20%.

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ sau ung thư da. Tháng 2/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi là bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất trên thế giới - theo số liệu thống kê do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công bố vào tháng 12/2020.

Bên cạnh tiền sử di truyền, tuổi tác, béo phì và các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi khác, thì lối sống của bạn cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng hoặc giảm nguy cơ ung thư vú.

Nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên khoảng 20%.

Thực phẩm bạn đang ăn có làm tăng nguy cơ ung thư vú? - 1

Nguy cơ mắc ung thư vú

Theo French Medics, những phụ nữ ăn chế độ ăn thực vật không lành mạnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

Nghiên cứu được trình bày tại Nutrition 2022 Live Online, liên quan đến phân tích so sánh các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật lành mạnh, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch, các loại đậu và carbs không lành mạnh như ngũ cốc tinh chế, gạo trắng, bột mì và bánh mì.

Theo dõi hơn 65.000 phụ nữ sau mãn kinh trong hơn hai thập kỷ, các bác sĩ nhận thấy những người ăn các thực phẩm lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn 14%, trong khi những người ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật không lành mạnh có nguy cơ phát triển bệnh tăng 20%.

Những phát hiện này nhấn mạnh rằng việc tăng tiêu thụ thực phẩm thực vật lành mạnh và giảm tiêu thụ thực phẩm thực vật và thực phẩm động vật kém lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa tất cả các loại ung thư.

Thực phẩm bạn đang ăn có làm tăng nguy cơ ung thư vú? - 2

Vai trò của carbohydrate 

Carbohydrate đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Nó là một trong những nguồn năng lượng hàng đầu, giúp duy trì cơ bắp, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, và một số dạng carbohydrate cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và bệnh tiểu đường.

Thế nhưng trong thế giới dinh dưỡng, carbohydrate có một vai trò nhất định. Trong khi một số người tin rằng tiêu thụ ít carb hơn sẽ giúp ích cho sức khỏe tổng thể, thì có những người lại chọn chế độ ăn nhiều carb. Vậy nên bạn cần biết đâu là loại Carbs cần thiết cho cơ thể, loại trừ những carb không tốt cho sức khỏe.

Carbs “không lành mạnh” và “lành mạnh”

Khi nói đến carbohydrate, bạn phải lưu ý rằng có 3 loại carbs chính: Đường, tinh bột và chất xơ.

Đường còn được gọi là carbohydrate đơn giản, được tìm thấy trong các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe phổ biến như kẹo, đồ tráng miệng, thực phẩm chế biến và nước ngọt thông thường.

Tinh bột là loại cacbohydrat phức tạp, được tạo thành từ nhiều đường đơn kết hợp với nhau. Cơ thể bạn cần tinh bột để phân giải đường và tạo thành năng lượng.

Cuối cùng, chất xơ cũng là một loại carbohydrate phức tạp, mà cơ thể bạn không thể phá vỡ và đó là lý do tại sao ăn thực phẩm có chất xơ giúp bạn no lâu hơn.

Điều này nói lên rằng, bạn có thể chia các loại carbs thành các loại carbs “tốt” là các loại carbs phức tạp và các loại carbs “xấu” là các loại carbs đơn giản.

Các loại carbohydrate đơn giản có trong nước ngọt, kẹo, đồ tráng miệng và thực phẩm chế biến sẵn nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn uống của bạn vì chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.

Ngược lại, thực phẩm có carbohydrate phức tạp có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng hơn, bao gồm chất xơ và vitamin B.

Thực phẩm bạn đang ăn có làm tăng nguy cơ ung thư vú? - 3

Các yếu tố khác tăng nguy cơ ung thư vú

Theo WHO, một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm tuổi tác ngày càng tăng, béo phì, sử dụng rượu quá nhiều, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, tiền sử phơi nhiễm phóng xạ, tiền sử sinh sản (chẳng hạn như tuổi bắt đầu có kinh nguyệt và tuổi khi mang thai lần đầu), sử dụng thuốc lá và liệu pháp hormone sau mãn kinh.

Ngoài ra, các lựa chọn hành vi và các biện pháp can thiệp liên quan có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh, theo cơ quan y tế toàn cầu gồm:

- Cho con bú kéo dài.

- Hoạt động thể chất thường xuyên.

- Kiểm soát cân nặng.

- Tránh sử dụng rượu có hại.

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Tránh sử dụng hormone kéo dài.

- Tránh tiếp xúc với bức xạ quá mức.

Nhận biết các triệu chứng đúng lúc

Một số triệu chứng ung thư vú phổ biến nhất theo WHO bao gồm:

- Vú có khối u hoặc dày lên.

- Thay đổi về kích thước, hình dạng của vú.

- Nổi mụn, mẩn đỏ, rỗ hoặc các thay đổi khác trên da.

- Thay đổi hình dạng núm vú hoặc thay đổi vùng da xung quanh núm vú (quầng vú).

- Tiết dịch núm vú bất thường.

N.Hà/VOV.VN(Times of India)
Bình luận
vtcnews.vn