Chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Vinh (Nghệ An) ngày 26/7 vừa qua phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để cấp cứu một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái. Nữ hành khách sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Văn Hồng, quyền Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo Hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định, khó có thể xảy ra chuyện vỡ túi ngực do áp suất trên máy bay.
Theo ông, nữ bệnh nhân cấp cứu do chảy máu từ vết mổ sau phẫu thuật nâng ngực, chứ không phải nổ túi ngực như nhiều người vẫn đồn đoán. Ngoài ra, dù vết mổ bị tổn thương nhưng túi ngực của bệnh nhân vẫn còn nguyên, không hề bị vỡ.
“Bệnh nhân làm phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở ở TP.HCM, do lên máy bay sớm khi vết mổ chưa được chăm sóc, theo dõi nên mới xảy ra sự việc như vậy, chứ không phải do túi sillicone độn ngực bị nổ, vỡ”, bác sĩ Hồng nói.
Về khả năng nổ túi ngực do chênh lệch áp suất trên máy bay, TS.BS Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết, trường hợp này rất khó có thể xảy ra.
"Áp suất khí quyển và trong khoang hành khách của máy bay đều khá tương đương nhau, gần giống mặt đấy ở khoảng 760mmHG. Khi cất cánh, máy bay lên cao, áp suất bên ngoài sẽ thay đổi nhưng bên trong máy bay thì giữ nguyên, trừ khi bay vào môi trường không khí loãng.
Ngoài ra, túi ngực hiện nay được cấu tạo hiện đại, độ bền cao, thậm chí ô tô đè qua còn không vỡ thì chuyện nổ túi ngực như lời đồn là rất khó”, bác sĩ Thọ nói.
Cùng chung quan điểm trên, TS.BS Phạm Cao Kiêm - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng khẳng định, dù trước đây có nhiều trường hợp được nhắc đến và cho rằng túi ngực sillicon bị nổ khi đang đi trên máy bay, nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh nguy cơ bị nổ túi ngực trong trường hợp này. Vì vậy mà các chị em không nên quá lo lắng.
Theo bác sĩ Kiêm, việc phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ ngực hiện nay là nhu cầu làm đẹp chính đáng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các chị em cần tìm hiểu và thực hiện ở những cơ sở thẩm mỹ uy tín, được cấp phép đủ điều kiện phẫu thuật.
Bác sĩ Kiêm cũng lưu ý, việc phẫu thuật nâng ngực từ trước tới nay phải được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo bài bản, có chuyên môn và kinh nghiệm xử lý kịp thời tình huống hoặc biến chứng nếu có.
“Các chị em trước khi phẫu thuật nâng ngực đều phải được thăm khám, kiểm tra sức khỏe kỹ càng. Đủ điều kiện mới được thực hiện.
Việc kiểm tra vùng ngực sau mổ cũng rất quan trọng để có thể xác định được những biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng, ngực không cân đối, hay xa hơn là co bao, bao xơ gây biến dạng ngực, mất cân xứng, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Chính vì vậy phẫu thuật nâng ngực chỉ được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm và được cấp phép”, bác sĩ Kiêm nói.
sức khỏe nữ hành khách ra sao?
Sau ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng đồng hồ, sức khỏe của nữ hành khách bị vỡ túi ngực thẩm mỹ trên máy bay của Vietnam Airlines đã ổn định.
“Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết nghiêm trọng. Sau khi tiếp nhận, bệnh viện khẩn trương phẫu thuật và sau 2 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật thành công", tiến sĩ, bác sỹ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết, ngày 26/7.
“Túi ngực có thể bị rách khi để quá lâu trong ngực. Lúc này bao xơ của cơ thể sẽ bóp, làm biến dạng, tạo thành các nếp gấp và có thể gây rách túi ngực. Trường hợp khác, túi ngực cũng bị vỡ do có dị vật ngọn đâm vào hoặc bị hội chứng tiết dịch khoang muộn. Nhưng biến chứng này cực kỳ hiếm” - theo bác sĩ Hoàng Văn Hồng, quyền Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo Hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bình luận