Chuyên gia Mỹ nhận định, có thể Trung Quốc đang xúc tiến thành lập hạm đội thứ tư ngoài 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải hiện nay. Theo đó, hạm đội thứ tư sẽ được vũ trang ở cấp thấp hơn so với các hạm đội đang hoạt động.
Trang mạng Afcea trích dẫn bài viết của ông James Bussert C, cựu nhân viên Trung tâm phân tích chiến tranh hải quân Mỹ đưa ra thông tin trên.
Ông James là người nổi tiếng với những bài viết phân tích sự phát triển và sức mạnh của Hải quân Trung Quốc từ năm 1949-2010. Ông cùng với tác giả Bruce Elleman đã cho ra đời cuốn sách nỗi tiếng có tựa đề: "Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc: Công nghệ và hệ thống chiến đấu”. Cuốn sách này đang được đưa vào hệ thống giảng dạy tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ. Ông James Bussert C trong buổi lễ nhận giải thưởng quốc tế AFCEA hàng năm
Theo nhận định mới của ông, Trung Quốc có thể đang tiến hành các hoạt động để thành lập hạm đội thứ tư dựa trên sự sáp nhập các cơ quan hàng hải hiện có.
Hiện tại, Trung Quốc đang có 8 cơ quan hàng hải không trực thuộc các đơn vị của Hải quân Trung Quốc. Các đơn vị này bao gồm:
Cục quản lý hải dương học nhà nước (SOA)
Cơ quan dự báo dịch vụ môi trường biển (MEFS)
Cục thủy sản (BOF)
Cơ quan thi hành luật thủy sản (FLEC)
Cơ quan quản lý biên giới hàng hải (MBDF)
Cơ quan giám sát hàng hải nhà nước, hay còn gọi là lực lượng hải giám (CMS)
Cơ quan cảnh sát biển Trung Quốc(CCG)
Cục an toàn hàng hải (MSA).
Các cơ quan trên sở hữu một đội tàu bán quân sự và dân sự đông đảo và được điều hành gián tiếp bởi Hải quân Trung Quốc. Trên thực tế, từ lâu đội tàu này đã tạo thành một hạm đội thứ tư không chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc phối hợp các hoạt động của các cơ quan này với các hoạt động của Hải quân là rất khó khăn. Tuy được điều hành gián tiếp bởi quân đội, nhưng mỗi đơn vị lại được quản lý bởi các cơ quan chức năng khác nhau.
Năm 1949, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc thành lập MSA, Bộ Công an thành lập MBDF, đến năm 1965 Bộ Đất đai và tài nguyên thành lập SOA, Bộ Nông nghiệp thành lập BOF vào năm 1974, Bộ Công an thành lập CCG vào năm 1979, năm 1985 SOA lại thành lập tiếp MEFS, CMS được thành lập vào năm 1998 và trực thuộc SOA. Sau khi Bộ Nông nghiệp thành lập FLEC không lâu, đội tàu đánh cá của cơ quan này được hợp thức hóa trong lực lượng dân quân hải quân.
Trong các cơ quan hàng hải nói trên, Cục quản lý hải dương học nhà nước SOA ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh hàng hải. Việc hợp nhất các cơ quan nói trên có thể tạo ra một "sở chỉ huy chung" tại Bắc Thanh Đảo, thay vì các trụ sở riêng rẽ cho từng cơ quan, hiện phân tán tại Thanh Đảo, Thẩm Dương và Yên Đài. Ngoài ra, việc kết hợp với một trụ sở chính tại Thượng Hải sẽ loại bỏ các trụ sở tại Nam Kinh và Quảng Châu.
Tuy nhiên, mỗi cơ quan lại có những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Việc hợp nhất các cơ quan này lại không phải là điều dễ dàng và cần có các cơ chế để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hợp nhất lực lượng hải giám và các đơn vị liên quan để thành lập hạm đội bán quân sự thứ 4. Ảnh minh họa
SOA thuộc Bộ Đất đai và tài nguyên, có thẩm quyền đối với toàn bộ bờ biển Trung Quốc từ biên giới Nga xuống đến biên giới với Hàn Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động hiện tại của SOA lại tập trung ở biển biển Đông.
SOA hiện có trụ sở chính tại Quảng Châu cùng với một căn cứ tại đảo Hải Nam. Trụ sở tại Quảng Châu chịu trách nhiệm điều hành các đội tàu tuần tra, máy bay, tàu nghiên cứu đại dương tại biển Đông) thông qua các trạm liên lạc. Cơ cấu bố trí của SOA tại Hạm đội Đông Hải và Bắc Hải cũng tương tự như thế.
Trong các cơ quan trực thuộc Cục quản lý hải dương học nhà nước (SOA) thì CMS hay lực lượng hải giám đóng một vai trò rất quan trọng. Dù trên lý thuyết, các đội tàu của lực lượng hải giám phần lớn không được vũ trang. Tuy nhiên, vào tháng 10/2008, có kế hoạch biến lực lượng hải giám trở thành lực lượng dự bị vũ trang cho hải quân.
Hiện tại lực lượng hải giám có 91 tàu tuần tra và 4 máy bay, trong đó có các tàu tuần tra cỡ lớn được đặt tên là “Hải giám” chuyên thực hiện các hoạt động tuần tra trên biển, chủ yếu là biển Đông.
Theo ông James Bussert C, Hạm đội thứ tư sẽ đảm đương các nhiệm vụ liên quan đến đảm bảo an ninh hàng hải và các nhiệm vụ khác trong vùng biển của Trung Quốc, hoạt động như một lực lượng dự bị quân sự.
Tuy nhiên đây mới chỉ là nhận định của một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Hải quân Trung Quốc, bài viết của ông James Bussert C không được coi là phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào về thông tin này.
Quốc Việt(Afcea/Đất Việt)
Bình luận