• Zalo

Thừa đại học, thanh niên phí hoài tuổi xuân

Giáo dụcThứ Hai, 14/04/2014 07:16:00 +07:00Google News

(VTC News)- GS Trần Phương cho rằng đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay đang thừa kiến thức và làm phí thời gian của thanh niên.

(VTC News)- GS Trần Phương cho rằng đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay đang thừa kiến thức và làm phí thời gian của thanh niên.

Sáng 12/4, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục uy tín.

GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có những nhận định rất thẳng thắn về sự bất hợp lý trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
GS Trần Phương cho rằng Việt Nam đang thừa cử nhân và thiếu những công nhân lành nghề (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Thừa đại học, phí tuổi xuân

GS Trần Phương cho rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay không đi đôi với nền kinh tế. Theo quy luật thông thường, nền kinh tế đòi hỏi nhân lực thì giáo dục phải đào tạo đáp ứng điều đó.

“Bây giờ chúng ta có cái khung chương trình giáo dục đại học rất cứng nhắc. Nếu theo nhu cầu của nền kinh tế hiện nay, chúng ta đào tạo quá thừa trình độ đại học”, GS Trần Phương khẳng định.

GS Trần Phương cũng cho rằng hiện nay, việc đào tạo thừa cử nhân đã “làm mất thời gian của thanh niên”.

 

Chúng ta đang theo một khung chương trình cứng nhắc và tôi cho đó là lãng phí thời gian của thanh niên, lãng phí thời gian của thầy giáo

GS Trần Phương
 
Thực tế, trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội đào tạo trung cấp kế toán được rất nhiều doanh nghiệp đến săn đón. Trung khi đó, trình độ cử nhân kế toán cũng do trường này đào tạo lại không được doanh nghiệp ngó ngàng tới.


Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là trình độ trung cấp kế toán đã “thừa sức” làm việc trong phần lớn các doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Bên cạnh đó, nếu lấy trình độ trung cấp, các doanh nghiệp chỉ phải trả mức lương 3 triệu đồng/tháng nhưng nếu là trình độ đại học thì phải trả từ 4-5 triệu đồng/tháng.

GS Trần Phương cho rằng hiện nay ở Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân chỉ cần tuyển sinh viên tốt nghiệp trung cấp kế toán. Như vậy, việc đào tạo tràn lan cử nhân như hiện nay là thừa kiến thức và lãng phí thời gian đào tạo.

Vị chuyên gia này cũng đề nghị đề ra nguyên tắc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn.

Hiện chúng ta đào tạo quá thừa, các loại trường cũng quá thừa nếu xét theo nhu cầu của nền kinh tế. Nhu cầu của nền kinh tế hiện nay là đào tạo trung học nghề, trung cấp nghề là chính.

Khung chương trình cứng nhắc

Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội cũng nhận định khungchương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT thừa và không thích hợp. 

Bạn có đồng ý với sơ đồ đề xuất hệ thống giáo dục mới của Việt Nam

  • Đồng ý
  • Không đồng ý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

“Chương trình đại học của chúng ta có nhiều môn mà đại học nghiên cứu mới cần đến còn đại học không nghiên cứu thì không cần đến. Chúng ta đang theo một khung cứng nhắc và tôi cho đó là lãng phí thời gian của thanh niên, lãng phí thời gian của thầy giáo”, GS Trần Phương bức xúc bày tỏ.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất, chỉ nên phân loại đại học theo 2 hướng nghiên cứu và thực hành.
Việt Nam đang thừa trình độ cử nhân (Ảnh minh họa) 
Ông cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay cũng không thể coi là đại học nghiên cứu. Mục tiêu của các ngành đã khác xa so với thời gian ban đầu lập ra.

 

Tôi đề nghị nhà nước nên trả lương cho những người học kỹ thuật công nghệ gấp đôi những người ngồi ở văn phòng

GS Trần Phương
 
Trước đây, GS Trần Phương là một trong những người đã lập ra khoa Kinh tế (nay là trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) nhưng mục đích đào tạo ra những nhà nghiên cứu có tầm vĩ mô.


Khoa Kinh tế được lập ra ngày đó để đào tạo ra các cán bộ có trình độ để có thể tham mưu cho các bộ, cho Trung ương nhưng giờ nó biến thành trường ứng dụng thực hành.

GS Trần Phương đề xuất các trường đại học trọng điểm của quốc gia chỉ nên đào tạo một số ít sinh viên ưu tú cho các ngành khoa học cơ bản. Những trường này sẽ được nhà nước đầu tư để phát triển đào tạo.

Bên cạnh đó, 90% sinh viên nên được đào tạo thực hành để sớm phát triển đất nước.


Tăng lương công nhân kỹ thuật

Vị chuyên gia này cũng đồng ý với việc phân luồng từ sau Trung học cơ sở. “Bởi nhiều học trò không đủ trình độ học lên THPT, mà học lên THPT thì thừa kiến thức. Chúng ta nên khẳng định nguyên tắc phân luồng từ sau THCS, là đủ kiến thức rồi”, GS Trần Phương kiến nghị.
Phải nâng lương cho công nhân lành nghề để thu hút học sinh theo học các ngành nghề khác nhau 
Ông Phương cũng cho rằng nhà nước phải thay đổi chính để thu hút học sinh vào học ở các ngành nghề khác nhau. Bởi vì, thực tế hiện nay, một cử nhân “ngồi máy lạnh” lương cao hơn nhiều lần so với những công nhân lành nghề.

“Tôi đề nghị nhà nước nên trả lương cho những người học kỹ thuật công nghệ gấp đôi những người ngồi ở văn phòng. May ra như thế học sinh mới đi học nghề”.

GS Trần Phương cũng lấy ví dụ ở Đài Loan có khoảng 160 trường thì hầu hết là các trường cao đẳng kỹ thuật. Gần đây, Đài Loan mới cho nâng cấp một số trường thành trường đại học.

“Suốt mấy chục năm, Đài Loan chỉ chú trọng đào tạo sinh viên cao đẳng công nghệ thì mới đưa được nền kinh tế phát triển. Ở Việt Nam, trường nào cũng là trường đại học”, GS Trần Phương kết luận.

Hiện nay, báo điện tử VTC News đang thực hiện chuyên đề “Cấu trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục uy tín.

Độc giả có đồng ý với quan điểm của tác giả? Hãy gửi ý kiến bình luận cho chúng tôi theo ô thảo luận cuối bài viết để làm sáng tỏ vấn đề rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước này.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn