• Zalo

Thua Campuchia, Việt Nam nên làm ôtô nữa hay thôi?

XeThứ Hai, 07/04/2014 08:11:00 +07:00Google News

Xuất phát sớm mà thua Campuchia, nền công nghiệp ôtô vẫn phát triển chủ yếu "trên giấy" của Việt Nam nên đi tiếp hay nghỉ?

Gần 2 năm nay, từ khi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Bộ Công thương soạn thảo và lấy ý kiến, tới nay các chính sách mới về công nghiệp ô tô vẫn chưa được ban hành.


DN đã chờ đợi rất lâu, nhưng vẫn chỉ biết chờ đợi và không rõ chủ trương của Việt Nam có phát triển công nghiệp ô tô nữa hay thôi?. Trong khi đó, câu chuyện Campuchia tự sản xuất ôtô điều khiển từ xa càng khiến những người tâm huyết thêm sốt ruột.

Thúc đẩy nhưng không được ưu đãi

Trong 10 năm qua, cơ quan quản lý đã đưa ra được chiến lược phát triển, nhưng chính sách nuôi dưỡng ngành ôtô vẫn còn ít, gần như chỉ có những ưu đãi cho lắp ráp. Các DN nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp xe được ưu đãi thuế nhập khẩu thấp bằng 1/2-1/3 so với nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn loay hoay tìm lối thoát. 

Vì thế, theo các chuyên gia, chỉ cần DN đầu tư 1 dây chuyền đơn giản chi phí thấp, thực hiện 4 công đoạn cuối cùng là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định, rồi nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp là được ưu đãi thuế.

Như vậy, sẽ không khuyến khích các DN đẩy mạnh nội địa hóa. Nếu chỉ ưu đãi về lắp ráp thì khó hình thành ngành công nghiệp ôtô vì lắp ráp chỉ chiếm 6% giá trị một chiếc xe. Việc sản xuất những phụ tùng cốt lõi như thân, vỏ xe và hộp số động cơ đến nay chưa được chú ý dù có đầu tư, sản xuất thì không nhận được ưu đãi.

Công nghiệp ô tô VN vẫn còn đang non trẻ

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Vinaxuki đã đầu tư gần gần 150 triệu USD để sản xuất ôtô, về xe con toàn bộ khung xe đã tự sản xuất được, nếu tính tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất được khung xe đạt 39%, Vinaxuki cũng tự sản xuất 1 số linh kiện và mua của các nhà cung cấp tại Việt Nam, tính chung đạt ỷ lệ nộ địa hóa 53%.

Theo ông Huyên, để phát triển ngành công nghiệp ôtô thành công, Chính phủ các nước đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ, khuyến khích các DN đầu tư sản xuất. Chẳng hạn để khuyến khích các DN sản xuất thân vỏ, máy móc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, ở nhiều nước DN sẽ được vay vốn ưu đãi 100 triệu USD trong 20 năm, nếu làm động cơ được vay tiếp 100 triệu nữa cũng với thời hạn 20 năm. Trong khi ở Việt Nam, chính sách này chưa có.

“Nếu dành số vốn đầu tư cho công nghiệp ô tô tương đương với công nghiệp tàu thủy thời gian qua thì ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã khác”, ông Huyên ao ước.

“Đến nay, chúng tôi đã nội địa hóa 53% cho 4 mẫu ô tô (2 mẫu xe du lịch, 1 mẫu 7 chỗ và 1 mẫu 5 chỗ) theo công nghệ cao nhưng vẫn chưa được hưởng gì từ những ưu đãi của chính sách. Chúng tôi sản xuất ôtô con, đề nghị nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50% thì giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công thương đồng tình, nhưng Bộ Tài chính thì không. Tại các nước khác khi tăng tỷ lệ nội địa hóa thì thuế sẽ được giảm là điều chắc chắn”, ông Huyên nói.

Theo ông Huyên, dòng xe 4 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh nhỏ hơn 1.300cc và giá bán dưới 300 triệu đồng vừa dễ làm, vừa mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như người tiêu dùng. Để phát triển dòng xe này, cần có các chính sách ưu đãi cho nó như hỗ trợ giá bán, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, phí cầu đường, bến bãi cũng phải xây dựng khác xe to, ở các nước họ đã làm rồi, nhưng ở ta vẫn chưa làm.

Cãi nhau rồi để đấy

Chưa đầy 5 năm nữa cho hành trình xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, bởi đến năm 2018 phải mở cửa bảo hộ. Với thời gian ngắn như vậy cần có những chính sách đột phá để thu hút đầu tư. Các DN cho biết, cần phải đưa ôtô vào nhóm ngành công nghệ cao.

“Trên thực tế ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào theo như định hướng phát triển nền công nghiệp “công nghệ cao”, ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc GM Việt Nam cho biết.

Theo ông Huyên, trên thế giới các nước đều coi công nghiệp ôtô là ngành công nghệ cao, bởi nó tích hợp trong đó nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hàng đầu và làm nền tảng cho sự phát triển kỹ thuật công nghệ trong lĩnh sản xuất công nghiệp. Nhưng tại Việt Nam thời gian qua, công nghiệp ôtô không được coi là ngành công nghệ cao nên không có chính sách ưu tiên cho nó”.

Bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ Công thương soạn thảo, cũng đã đề xuất 1 số chính sách ưu đãi với các DN đầu tư vào sản xuất ô tô, như đưa các dự án sản xuất lắp ráp xe chiến lược, các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe đến 9 chỗ được hưởng các ưu đãi đối với loại dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật.

Miễn 4 năm và giảm 50% trong 11 năm tiếp theo, kể từ khi hết thời hạn ưu đãi, theo Luật Thuế thu nhập DN với các DN sản xuất linh kiện; Nhà nước hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng tại các khu công nghiệp cơ khí và ô tô. Các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng để sản xuất linh kiện, phụ tùng cho dòng xe chiến lược được xem xét cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp nhất từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Tuy nhiên, sau khi tranh cãi, đến nay các đề xuất này vẫn chỉ dừng ở mức dự thảo, chưa thành hiện thực. Các DN cho rằng, vướng mắc hiện nay là sự thiếu rõ ràng trong kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô từ nay tới sau năm 2018 và họ vẫn chỉ biết chờ đợi.


Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn