• Zalo

Thư xứ Vạn đảo: Jakarta trong những “trại tạm giam”

Tổng hợpThứ Sáu, 18/11/2011 05:12:00 +07:00Google News

(VTC News)- Những “trại tạm giam” di động có người lái và đôi khi “phạm nhân” là chính người cầm vô lăng.

(VTC News) – Đó là những “trại tạm giam” luôn có điều hòa với 4 mặt cửa kính, những “trại tạm giam” di động có người lái và đôi khi “phạm nhân” là chính người cầm vô lăng. Tôi đang nói tới những chiếc xe ô tô ở Jakarta.

Thực tế tồi tệ

Câu tiếng Bahasa Indonesia đầu tiên mà tôi tới Jakarta được cánh lái taxi dậy là “macet” có nghĩa “tắc đường”. Và chuyện tắc đường kể từ ngày sang tác nghiệp SEA Games 26 người ta đã nói như cơm bữa. Nhưng nói rồi đây cũng chỉ là phần nhỏ trong cái thực tế rất tồi tệ ở đây!

Những "trại tạm giam" di động trên đường (Ảnh: Hà Thành)

Cũng như các thành phố lớn ở Việt Nam, Jakarta đang trong thời kỳ phát triển thậm chí tốc độ phát triển vào loại hàng đầu thế giới. Bởi thế, khi Jakarta chỉ có thể ôm trong lòng nó 1,5 triệu xe ô tô thì giờ nó phải nhồi tới 5 triệu xe. Với sức chứa “cưỡng bức” ấy, Jakarta không là cái “trạm tạm giam” mới là lạ.

Theo kết quả thăm dò về hoạt động giao thông tại 23 thành phố trên toàn cầu do Công ty Frost & Sullivan (một công ty tư vấn hàng đầu thế giới) công bố cách đây không lâu, Thủ đô Jakarta xếp cuối cùng về mức độ hài lòng do tình trạng ùn tắc trầm trọng diễn ra hàng ngày. Kết quả này dựa trên phiếu điều tra của gần 15.000 người trên toàn thế giới. Jakarta đã "vượt qua" Rio de Janeiro (Brazil) và Cairo (Ai Cập) vốn được nhiều người biết là những thành phố hay tắc nghẽn để leo lên vị trí "số một".

Còn các chuyên gia kinh tế thông kê, hàng năm, nạn tắc đường ở Jakarta gây thiệt hại kinh tế vào khoảng 28,1 nghìn tỷ rupiah (3,25 tỷ USD). Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới đánh giá Jakarta là thành phố có mức độ ô nhiễm đứng thứ hai trên thế giới, sau Bắc Kinh. Khí thải từ ô tô ở đây chiếm 85% thành phần gây ô nhiễm không khí.

Và sống trong “trại tạm giam”

Jakarta có cả một hệ thống đầu số để nhắn tin hoặc gọi tìm kiếm sự trợ giúp hướng dẫn cách “tẩu thoát” nhanh nhất khỏi các tuyến đường đã, đang và sắp dồn ứ. Nhưng giờ không mấy ai thèm bốc máy vì cái nhận lại được thường xuyên là “semuanya jalan macet” (mọi con đường đều tắc).

Jakarta có cả một hệ thống mạng xã hội để người trên xe có thể truy cập, xem những hình ảnh về các tuyến đường thông qua hệ thống camera theo dõi được lắp đặt ở nhiều khu vực. Nhưng giờ quá ít người online vì hình ảnh thu về giống nhau một loạt là cảnh xe nối hàng dài không động đậy.

Cảnh đợi xe bus tại Jakarta (Ảnh: Hà Thành)

Jakarta còn có hẳn hai kênh phát thanh giao thông trực tiếp là Elshinta(FM 90,05) và Đài phát thanh Sonora (FM 100,9) liên tục thông báo về lưu lượng xe trên các tuyến đường nhưng cánh lái taxi đã phát chán chẳng còn muốn bật nghe vì các thông báo lại đều như vắt chanh: “semuanya jalan macet”.

Cũng bởi “semuanya jalan macet” mà Jakarta có lẽ là thành phố sống sớm hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Cái sự sớm ở đây buộc phải đẩy lên để đối phó tạm thời với thực trạng “macet” thường nhật. Có nghĩa là mọi dự định, mọi công việc, mọi cuộc hẹn khiến người Jakarta phải ra khỏi nhà luôn được cài đặt sớm hơn khoảng 3 đến 4 giờ cùng một kế hoạch chi tiết các tuyến đường sẽ đi qua. Và trong 3 đến 4 giờ trừ hao tắc đường ấy, có một Jakarta sống trong “trại tạm giam”.

Trên bất cứ quãng đường “chết đứng” nào vào buổi sáng sớm, buổi trưa nắng hay buổi chiều muộn, người ta có thể thấy, những “phạm nhân” ngồi trong “trại” thảnh thơi ăn uống với những đồ ăn được gói sẵn rồi chúi mắt vào đọc sách, báo, tạp chí hay ngồi ngửa ra sau ghế nghe nhạc, xem DVD.

Ngó qua xe khác, người ta lại có thể bắt gặp cảnh một bà mẹ ngồi sau xe đọc truyện tranh, chơi đồ chơi cùng trẻ con, một cô ô sin ngồi cho trẻ uống sữa và lâu lâu không quên thay tã giấy cho nó.

Chưa hết, vài xe khác là những bạn trẻ ngồi học bài, chat, lướt web với cổng 3G luôn cắm sẵn hoặc đơn giản nhất là ngủ…

Tóm lại người Jakarta làm/ phải làm mọi việc có thể trên xe để giết chết cái thời gian bỏ phí vì tắc đường cho đến khi không thể chịu đựng được nữa, họ mới tìm cách thoát ra khỏi “trạm giam”. Lúc đó có người dùng tới xe ôm nếu công việc không còn thời gian để trì hoãn, có người quốc bộ tới một thẩm mỹ viện, một tiệm massage, một phòng tập thể thao, một khu vui chơi nào đó gần nhất để chờ đợi thông xe.

Một người bạn của tôi cách đây vài hôm nói trên báo về tính nghệ sĩ của người Jakarta khi anh quan sát thấy có quá nhiều nơi trên đường và trong xe, người Jakarta ngồi chơi đàn guitar – loại đàn đã được thu nhỏ hơn kích cỡ bình thường.

Thực tế có thể người Jakarat máu văn nghệ nhưng thực tế cũng bởi vì chơi đàn ở đây phải sống trong “trại tạm giam”, chơi đàn là cách giúp người ta lạc quan hơn khi ngó ra tứ bề từ trong xe, đâu đâu cũng là “trại giam”.

Hà Thành (Từ Jakarta)

Bình luận
vtcnews.vn