• Zalo

Thư xứ Vạn đảo: Jakarta - Đến bộ trưởng cũng tắc

Tổng hợpThứ Sáu, 04/11/2011 01:18:00 +07:00Google News

(VTC News)- Nếu mang những sáng kiến cải tiến giao thông của Việt Nam sang Jakarta, chỉ e, nó cũng sớm chết ngạt trong thảm họa tắc đường ở nơi này.

(VTC News) – Nghe cái tiêu đề thì không có vẻ giống gì phim kinh dị. Song chỉ cần trải qua một lần cái cảm giác ngột ngạt ấy thôi, bạn sẽ thay đổi ngay suy nghĩ của mình.

Từ sân bay Soekarno Hatta về khách sạn Onyx - đại bản doanh của phóng viên Việt Nam - ở Pejompongan, có chiều dài khoảng 20km nhưng đi phải mất tới hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Jakarta giờ cao điểm trên khắp các nẻo đường dòng xe nối dài hàng km. Có chỗ xe lừ lừ tiến với tốc độ một… con rùa. Có chỗ xe chết đứng, phải vài chục phút mới lăn thêm được một vòng bánh. Căn bệnh tắc đường ở Jakarta xem ra còn trầm trọng hơn cả quê ta.

Ngồi trong xe ô tô, nhìn ra ngoài đường khi xe chết đứng, chợt nhớ tới Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng ở Hà Nội và rồi làm một phép so sánh với Jakarta.

Đường xá ở Jakarta nói gì thì nói, rộng hơn, cao hơn, hiện đại hơn so với Hà Nội. Ý thức tham gia giao thông của người Indonesia, nhìn thoáng qua cũng thấy tốt hơn… vậy mà tắc vẫn cứ tắc.

Jakarta trong giờ cao điểm 

Nguyên nhân chính biến Jakarta  thành “thành phố chết đứng” là mật độ các phương tiện tham gia giao thông quá lớn, chủ yếu là ô tô. Như vậy, suy luận thông thường thì hạ tầng giao thông Jakarta cần phải thay đổi hơn nữa. Thế nhưng bài toán này gặp phải một trở ngại cực lớn. Đó là khi hạ tầng thay đổi một thì tốc độ phát triển dân số và phương tiện tham gia giao thông lại tăng lên theo cấp số nhân.

Indoensia có gần 240 triệu dân và là quốc gia có số dân lớn thứ 4 trên thế giới. Sự bùng nổ dân số ở xứ Vạn đảo còn làm ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó hệ lụy tới giao thông là rất rõ. Và giả sử mọi con đường tiến tới giảm thiểu ách tắc giao thông đều rơi vào… ách tắc, Indoensia cũng áp dụng biện pháp thay đổi giờ làm, giờ học như ở ta đang tính thì cũng giống… muối bỏ bể.

Người Indonesia có một cung cách làm việc cũng khá giống người Việt. Đó là thích trồng cây triết cành hơn là ươm giống, thích sửa mọi thứ từ ngọn thay vì đi lên từ rễ. Thế nên trong chuyện giải cứu “thành phố chết” vì “đại dịch” tắc đường, Jakarta như chiếc xe cấp cứu hú còi trên con đường tắc.

Hôm qua, sau khi đánh bại U23 Philippine 3-1, trong phòng họp báo, HLV Falko Goetz bày tỏ mối lo ngại, cái lo ngại không phải chuyện chuyên môn, không phải điều kiện ăn ở, sân tập, sân thi đấu mà là… tắc đường.

Ông cho rằng, U23 Việt Nam còn một trận tại vòng bảng phải đá ở sân Bung Karno, việc di chuyển tới sân đấu này không hề dễ vào giờ cao điểm và rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nạn tắc đường. Ông yêu cầu BTC nước chủ nhà phải có phương án hỗ trợ U23 Việt Nam.

Để U23 Việt Nam không gặp phải tắc đường thì chỉ có hai phương án khả thi. Một là, chuyển địa điểm ăn ở của đội tuyển về gần sân Bung Karno. Hai là, U23 Việt Nam chịu khó di chuyển đến sân sớm hơn vài giờ trước trận đấu.

Nói chung với hai phương án nêu trên thì yêu cầu của ông thầy người Đức không có gì khó với BTC SEA Games 26. Nó chỉ cực khó, thậm chí là không thể nếu ông yêu cầu không được tắc đường khi đoàn quân của ông di chuyển giờ cao điểm – giờ mà cả Jakarta đã là “thành phố chết đứng”.



Hà Thành(Từ Jakarta)

Bình luận
vtcnews.vn