(VTC News) - Sau hơn 5 giờ bay, cuối cùng tôi cũng tới Singapore - điểm transit trên hành trình tới xứ vạn đảo Indoensia.
Ngày hội thể thao khu vực ở phía trước, cách nơi tôi ngồi viết lá thư này hơn một giờ bay nữa. Nhưng để tiếp tục hành trình, tôi phải chờ mất trọn một vòng quay của mặt trời.
“Không sao” - tôi dằn lòng như vậy! Thêm một vòng quay nữa cũng đáng khi nơi tôi lưu lại là một đất nước tuyệt đẹp – đất nước Singapore. Và càng đáng hơn để chờ đợi khi biết rằng, chuyến bay kế tiếp đưa tôi đến Jakarta là của hãng Garuda Indonesia.
Garuda là tên loài Đại bàng thần có đầu chim, mình người. Trong văn hóa Phật giáo nó được Việt hóa bằng cái tên Kim Sí Điểu, tức chim cánh vàng.
Theo thần thoại cổ Ấn Độ, loại chim này có hình dáng giống như đại bàng nhưng cực kỳ to lớn, thân thể rực rỡ như thần lửa, tính khí rất mãnh liệt. Còn trong kinh Phật, Kim Sí Điểu là một loài trong Bát bộ chúng, được phiên âm thành nhiều tên là Yết lộ đồ, Già lâu la, Bá lỗ noa…
Đây là biểu tượng của đất nước Indonesia và được chọn làm biểu trưng cho SEA Games 26 lần này.Biểu trưng của SEA Games 26 với hình chim Guruda cách điệu
Theo giải thích của các quan chức nước chủ nhà, loài chim Garuda tượng trưng cho quyền lực với đôi cánh giang rộng, biểu thị vẻ hùng vĩ, vinh quang.
Phần đầu của chim Garuda được tô màu đỏ, màu tượng trưng cho lòng can đảm, tinh thần chiến đấu và lòng đam mê cháy bỏng phục vụ nhân dân.
Các nét màu xanh lá cây trên thân chim Garuda tượng trưng cho các hòn đảo, rừng và địa hình miền núi của quần đảo Indonesia, trong khi những nét lượn sóng màu xanh là sự rộng lớn của đại dương Nusantara.
Ngày thường, chắc chẳng mấy người để ý và cũng coi nó như chuyện của “ngày thường” khi ngồi lên những chiếc máy bay của hãng hàng không cũng đã chọn Garuda làm logo. Nhưng với tôi, lại không hẳn thế lúc trong đầu cứ vảng vất ý nghĩa của biểu trưng SEA Games 26 này.
Vảng vất đến độ tính vỗ đùi đánh đét, khen hay thì giật mình khi nảy ra một sự liên tưởng.
Theo kinh Hải Long Vương, Kim Sí Điểu có sãi cánh rộng 336 vạn dặm, màu vàng ròng, khắp cõi Diêm phù đề chỉ vừa một chân của nó, có thể nuốt phăng một con long ngư thất bảo, mỗi ngày ăn hết một con rồng chúa và 500 con rồng con. Bộ đôi Rồng Komodo - Linh vật của SEA Games 26
Kim Sí Điểu thường trụ ở tầng dưới núi Tu Di, trên các đại thọ trong bốn Đại châu. Thức ăn chủ yếu của Kim Sí Điểu là loài rồng, cá… khi ăn phát ra tiếng kêu bi thống, loài rồng rất kinh sợ sát thủ Đại bàng cánh vàng này.
Chết thật! "Thức ăn chủ yếu của Kim Sí Điểu là loài rồng". Sao người Indonesia không để ý tới thói quen trong thần thoại của Kim Sí Điểu mà “hồn nhiên” chọn cặp đôi Rồng Komodo - một loài bò sát nổi tiếng thế giới, có số lượng nhiều nhất ở đảo Sumatra - làm linh vật SEA Games 26 nhỉ?
Chết thật… Mong sao trong thần thoại, Kim Sí Điểu đúng là ăn Rồng nhưng không phải Rồng Komodo.
Hà Thành(Từ Singapore)
Bình luận