Thủ tướng yêu cầu không để bị động, bất ngờ trong ứng phó mưa lũ ở miền Bắc

Tin nóngChủ Nhật, 11/08/2024 20:39:21 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 25 địa phương ở Bắc Bộ cùng Bộ, ngành liên quan không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt nguy cơ mưa lũ, sạt lở...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 78, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, cùng Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan.

Công điện nêu rõ, từ tháng 7 đến nay, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu tại nhiều nơi, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa của người dân, công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Công điện chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Miền Bắc bước vào đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)

Miền Bắc bước vào đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)

Từ đêm 10/8 đến sáng 11/8, Bắc Bộ mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 11/8 đến ngày 15/8, Bắc Bộ khả năng xuất hiện đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 400mm.

"Vừa qua liên tục mưa lớn kéo dài, đất đã bão hòa nước, nước trên các sông suối đang ở mức cao nên có thể sẽ xuất hiện lũ trên các sông suối, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại miền núi, trung du và các vùng sườn dốc, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp, trũng, đô thị", Công điện của Thủ tướng nêu.

Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng các Bộ, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 75 ngày 3/8/2024 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn. Chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo "phương châm bốn tại chỗ", trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tộc thiểu số) nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.

Thủ tướng cũng lưu ý Chủ tịch UBND các địa phương này chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.

Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.

Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo công an các địa phương, các quân khu, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

Bình luận
vtcnews.vn