Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.
Trong số các nhiệm vụ mà người đứng đầu Chính phủ giao cho các bộ ngành, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy định liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới.
Các loại hình bất động sản mới được liệt kê là: Căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)... Bộ Xây dựng đề xuất và báo cáo Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Những năm gần đây, các loại hình bất động sản mới như condotel nở rộ nhưng thiếu cơ chế quản lý. Vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ này đang nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về từng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel (căn hộ khách sạn) và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng chưa công bố bất kỳ quy định nào liên quan đến loại hình căn hộ này.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh condotel không phải là loại hình nhà ở mà được quản lý như là một cơ sở lưu trú du lịch, đã được quy định tại Luật Du lịch mới được ban hành đầu năm 2018. Từ đó, Bộ Xây dựng sẽ bổ sung thêm các quy định pháp lý một cách chặt chẽ hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng chỉ ra nhiều tồn tại của condotel. Về cơ sở pháp lý, vẫn còn tranh cãi về vấn đề đất đai, có coi loại hình condotel được sử dụng đất ổn định lâu dài hay không. Nếu là nhà ở thì được sử dụng ổn định lâu dài, nếu là cơ sở lưu trú thì sẽ quản lý cụ thể như thế nào.
Từ việc định danh condotel sẽ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ tài chính. Nếu coi là nhà ở thì đóng thuế khác, mà nếu coi là đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú thì nghĩa vụ tài chính hoàn toàn khác.
Tiếp đến là việc cấp chứng nhận quyền sở hữu ra sao với loại hình này, các vấn đề quy định tiêu chuẩn xây dựng, quy định về xử lý hợp đồng mua bán, quy trình vận hành, quản lý tránh những tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra.
Cũng liên quan đến thị trường bất động sản, Thủ tướng đã ký Quyết định 355 về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho nhà ở xã hội.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2019 và thay thế Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 3/4/2018 của Thủ tướng.
Bình luận