Trước đó, ngày 2/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo, sau 3 lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11; giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 22.750 đồng. Tuy nhiên, đến tối 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn "hết hàng" hoặc bán "nhỏ giọt".
Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, Báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm nay nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 triệu m3/tấn.
Xem xét báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, ngày 8/11, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công Thương về việc rà soát, điều chỉnh các loại chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường để chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
Các loại chi phí này gồm: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức...
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vì sao thị trường 'khát' xăng dầu?
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, có 3 lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng dầu trong nước ngày càng ít.
Thứ nhất, nguồn cung thế giới khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn tăng mua nguồn dầu lớn từ OPEC + và Nga, trước hạn 25/11 khi phương Tây tiếp tục áp lệnh cấm vận lên Nga, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam.
Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ có thể nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục thay đổi tỷ giá, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Thứ ba, việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu cho vay và bảo lãnh của ngân hàng.
"Thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Xăng dầu sản xuất trong nước đảm bảo 80% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu thô để sản xuất xăng dầu được chúng ta nhập khẩu từ thế giới, nên giá xăng dầu biến động sẽ có tác động trực tiếp đến xăng dầu trong nước. Ngoài ra, còn 20% xăng dầu thành phẩm nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước", ông Diên giải thích.
Vẫn theo ông Diên, việc điều hành giá xăng dầu phải thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, 10 ngày điều chỉnh giá một lần và căn cứ điều chỉnh là giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Đây là quy định thực hiện trong lúc bình thường. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu có những dị biệt, nhất là trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên quy định trên bộc lộ những khiếm khuyết. Hệ thống kinh doanh xăng dầu của nước ta hiện nay lại đa tầng nấc, dẫn đến rối, nhất là trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, làm tăng chi phí. Chính phủ đã nhận thấy điều này và đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng phân tích thêm nguyên nhân khiến khan hiếm xăng dầu cục bộ là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trong giai đoạn quý II, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng sang quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng liên tục đi xuống. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Thứ nữa, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh. Trong khi đó, tín dụng bị thắt chặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND đều tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2- 3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho điện tử theo quy định.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu nhằm giảm thua lỗ đó là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành.
Ông Đông cũng cho rằng, việc một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) đã dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối này. Ngoài ra, tình hình mưa bão ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp cũng làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
Bình luận