Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Viện Pasteur Paris nhấn mạnh, trong số các quốc gia có quan hệ hợp tác với Viện, Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Người sáng lập Viện - Louis Pasteur đã nhận ra được tầm quan trọng của các bệnh nhiệt đới, do đó, đã ủy quyền thành lập Viện Pasteur tại TP.HCM vào năm 1891, là viện Pasteur đầu tiên ở nước ngoài, sau Viện Pasteur Paris.
Hiện có 3 cơ sở của Viện Pasteur ở Việt Nam (đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang), đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đóng góp to lớn chống lại các loại dịch bệnh nói chung. Thời gian qua, Viện Pasteur đã tiếp tục có nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và các đối tác quốc tế, khu vực trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Viện đề nghị có các hình thức phù hợp để đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là địa chỉ mà đoàn Việt Nam thấy cần đến trong chuyến công tác lần này, tiếp tục củng cố mối quan hệ với các Viện Pasteur. Hệ thống các Viện Pasteur là một phần cấu thành nên mối “duyên nợ” giữa Việt Nam và Pháp qua thăng trầm của lịch sử. Trên thế giới, ít có nước nào có tới 3 Viện Pasteur như Việt Nam, phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cho thấy tầm nhìn xa của những người đi trước. Tại Việt Nam, nhiều người dân biết đến tầm quan trọng của các Viện Pasteur với ngành y tế, họ đến với Viện như một lẽ tất nhiên.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tự hào về mối quan hệ đầy “duyên nợ” giữa hệ thống các Viện Pasteur của Việt Nam với Viện Pasteur Paris, cần củng cố và phát huy hơn nữa mối quan hệ này trong tương lai. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn phía Pháp đã hỗ trợ các Viện Pasteur tại Việt Nam, nhất là trong việc giám sát xét nghiệm, phòng chống dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều bài học quý giá, trong đó có việc phát triển hệ thống các viện nghiên cứu dịch tễ học. Nhất là với Việt Nam, một nước nhiệt đới đang phát triển, các dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nếu không có nghiên cứu và chủ động một cách cơ bản, căn cơ để có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong phòng chống dịch thì hậu quả rất lớn. Các Viện Pasteur tại Việt Nam có truyền thống sản xuất các loại vaccine phòng các bệnh hay gặp tại Việt Nam, nhưng dịch COVID-19 cho thấy việc quan tâm, đầu tư phát triển các Viện này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với các Viện Pasteur tại Việt Nam, chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, bố trí nguồn lực, hỗ trợ hoạt động hợp tác, nghiên cứu của các viện này.
Thủ tướng cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm chính thức Pháp lần này là thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về y học và dịch tễ học lên mức cao hơn, thiết thực, hiệu quả, thực chất hơn, nằm trong tổng thể hợp tác chiến lược giữa hai nước. Thủ tướng cho biết, qua các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo của Pháp, một trong những trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là khoa học công nghệ và y tế.
“Trên cơ sở mối “duyên nợ” đã có và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, không có lý do gì để không thúc đẩy hợp tác về vấn đề này trong hiện tại và tương lai”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này, triển khai nhanh sau chuyến thăm của đoàn đại biểu Việt Nam, góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, đặc biệt tập trung nghiên cứu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể trở thành đại dịch. “Chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nếu không sẽ luôn luôn bị động, bất ngờ trước dịch bệnh, đối phó rất mệt mỏi, tốn kém, nhiều mất mát không đo lường được hết”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về y học phân tử, miễn dịch học, thuốc dự phòng, thuốc điều trị bệnh, hỗ trợ về công nghệ, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và nhất là tìm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu và mở rộng hợp tác của các Viện Pasteur, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng chống dịch bệnh liên quan các nước vùng nhiệt đới.
“Bài học chúng tôi rút ra là một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể những mất mát khác. Do đó, chúng tôi rất quan tâm vấn đề này, đó không phải là ngẫu hứng mà là đòi hỏi khách quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan chức năng của Pháp, các Viện Pasteur bắt tay ngay vào việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, bởi các công cụ, phương tiện có thể dùng tiền để mua nhanh, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực với năng lực, kiến thức không thể “mua nhanh” trong một sớm một chiều, phải triển khai việc đào tạo sớm, tích cực, bài bản, vừa có tính đột phá, vừa có tính lâu dài. Đồng thời, bắt tay ngay ngay vào việc hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Thủ tướng chuyển lời mời Tổng Giám đốc Viện Pasteur Paris tới thăm Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác trên tinh thần “việc gì dễ làm trước, làm từ dễ tới khó, từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, từ việc cụ thể hướng tới tổng thể, toàn diện”.
Về phần mình, đại diện lãnh đạo Viện nhất trí cao với các đề xuất của Thủ tướng. Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Đại sứ quán Pháp có Tham tán y tế. Nghe vậy, Thủ tướng chia sẻ: “Cha ông ta đã nhìn thấy việc này từ hơn 100 năm, không có lý do gì để chúng ta không kế tiếp những ý tưởng tốt đẹp của họ. Công việc này cần thực hiện bằng sức lực, trí tuệ và cả trái tim của mình”.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận