• Zalo

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, cao nhất giai đoạn 2011-2022

Chính trịThứ Năm, 20/10/2022 10:43:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 vượt dự kiến kịch bản đặt ra và là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 tại phiên khai mạc kỳ họp tứ 4, Quốc hội khoá XV sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, gây khó khăn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta vẫn đạt được những kết quả khả quan, tích cực.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, cao nhất giai đoạn 2011-2022 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Ước 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022

“Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế, nợ công, nợ nước ngoài, nợ quốc gia được kiểm soát an toàn”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng tăng lãi suất, lạm phát thế giới tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá và hậu quả của đại dịch COVID-19… dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng…

Đối với trong nước, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều vấn đề tồn đọng cần được giải quyết, trong khi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh.

“Bám sát các nghị quyết kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các ngành, các cấp địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, buổi làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc; tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước đến nay; đồng thời triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội đẩy mạnh chương trình phục hồi; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Trong năm 2022, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng thời giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, có nhiều chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân.

Bên cạnh đó, kinh tế xã hội đạt được một số thành quả quan trọng: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số; Nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, chúng ta đã nâng cao chất lượng lập quy hoạch; chú trọng phát triển kinh tế địa phương, vùng lãnh thổ; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân; tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thực hiện các cam kết COP26.

Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội…

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Kinh tế quý III tăng 13,67%

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%.

Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018. Một số ngành dịch vụ nhanh chóng phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

"Xét theo địa bàn, sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh/thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%. Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo”, ông Thanh nói.

 

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn