Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành viên Chính phủ cần '4 thật'

Chính trịThứ Năm, 03/06/2021 18:40:32 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng đề nghị thảo luận các vấn đề trên tinh thần nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật.

Ngày 3/6, chủ trì họp phiên thường kỳ của Chính phủ tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề trên tin thần nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quy mô dịch lây lan rộng và nhanh hơn, chủng virus nguy hiểm hơn và lây lan trong các khu công nghiệp, hoạt động tôn giáo. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành viên Chính phủ cần '4 thật' - 1

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2021.

Đã tiêm 1,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Theo báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 4.780 ca mắc COVID-19 mới. Hiện nước ta đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với hơn 1,1 triệu liều, 31.177 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng được phát hiện sớm, kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn gây nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt tại một số điểm dịch ở tỉnh Bắc Giang, TP.HCM... Do đó, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao như hiện tại, thậm chí cao hơn để đảm bảo được khả năng khống chế dịch bệnh trên phạm vi cả nước .

Thủ tướng cho rằng, sắp tới chúng ta vẫn duy trì tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi chưa dịch. Tấn công là cấp bách, là đột phá, chủ động xét nghiệm ở những nơi chưa có dịch, thần tốc nơi có dịch; vaccine là chiến lược, là quyết định, ứng dụng công nghệ là bắt buộc. Các cấp, các ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phòng chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra.

"Vẫn còn có những nơi, những lúc bị động lúng túng trong phòng, chống dịch và có những cơ quan chức năng chưa kịp thời hiệu quả, trong thực hiện chiến lược, việc triển khai vẫn còn chậm"  -Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ nguyên nhân là một số bộ ngành còn chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng, vẫn vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn nhiệm vụ được giao.

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn vì dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn, xu thế dịch bệnh thế giới và các nước quanh ta chưa được kiềm chế có hiệu quả. Do đó, không thể lơ là chủ quan mà phải tự lực tự cường đi lên.

Nhận thức rõ thách thức để vượt qua

Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiềm chế, đẩy lùi và ngăn chặn hiệu quả làn sóng COVID-19 thứ tư để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh an toàn, củng cố và tăng cường đối ngoại, đảm bảo an sinh cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi do đại dịch COVID-19 song kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt  các kết quả nổi bật: Bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, sản xuất công nghiệp tăng khá, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thành viên Chính phủ cần '4 thật' - 2

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp như: Tăng cường nhận thức về những khó khăn, thách thức, vướng mắc phải đối diện để nỗ lực và lấy đó làm động lực để vượt qua. Việc lãnh đạo, điều hành phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát tình hình, nắm chắc tình hình, từ đó lchỉ đạo kịp thời, đúng hướng, sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt. Chính sách tiền tệ, tài khóa phải hài hòa, hợp lý để vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề còn tồn tại liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến vaccine, đầu tư công, kinh tế vĩ mô, các dự án thua lỗ, yếu kém; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là phải tiết kiệm ngân sách để chi cho các dự án, chương trình trọng điểm và vùng đặc biệt khó khăn. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị quyết về chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19; tiếp tục kiểm soát xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm hành vi xuất nhập cảnh, cư trú trái phép.

Về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn sát tình hình, bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng..

Thủ tướng biểu dương các cấp chính quyền, nhất là các địa phương trọng tâm của dịch COVID-19 như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch như quân đội, công an, đặc biệt là lực lượng y tế đã quyết liệt, không quản khó khăn gian khổ trong phòng, chống dịch vì sức khỏe nhân dân.

Vũ Khuyên(VOV)
Bình luận
vtcnews.vn