Hành động này khiến ông Kishida phải nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt ngay trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày Chủ nhật (31/10). Đây là nguy cơ lớn đối với tương lai của nhà lãnh đạo mới tại Nhật Bản.
Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản mới chỉ khởi động lại 1/3 trong số 33 lò phản ứng. Việc thúc đẩy tái hoạt động các lò còn lại đang nằm trong vòng tranh cãi, khi có tới 40% người Nhật phản đối.
Hầu hết các cử tri Nhật Bản đều chú tâm đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhưng vào tháng trước, chính sách năng lượng đã trở thành một trong những tiêu điểm chính sau khi ông Kishida đánh bại một ứng cử viên phản đối hạt nhân trong cuộc đua giành vị trí thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Tổng thư ký LDP Akira Amari – người được ví là “kiến trúc sư cho chiến thắng của ông Kishida” – đã góp phần thúc đẩy khởi động lại hơn 30 lò phản ứng hạt nhân. Ông Amari cũng muốn đưa các lò phản ứng mới vào hoạt động để thay thế những lò đã cũ.
Theo ông Amari, Nhật Bản cần chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để đáp ứng cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, tránh việc tăng giá than và khí đốt nhập khẩu, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về năng lượng.
Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản đã lên kế hoạch khởi động lại nhà máy Kashiwazaki – Kariwa hồi tháng 4. Nhà máy này có thể cung cấp điện cho 24 triệu hộ gia đình. Việc khởi động lại các nhà máy khác trên toàn quốc đã bị trì hoãn do vấn đề kỹ thuật, pháp lý và quy trình đánh giá.
Bình luận