Bên lề các hoạt động chính trong chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận lời phỏng vấn của tờ The Nation (Thái Lan).
Mở đầu cuộc phỏng vấn, Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019 trong việc thúc đẩy, triển khai các sáng kiến cụ thể hóa chủ đề của năm về “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực cùng với Thái Lan và các nước ASEAN khác triển khai các sáng kiến này.
Nhận định môi trường khu vực và quốc tế hiện nay đang diễn biến theo hướng phức tạp, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần phải tăng cường hợp tác, đoàn kết, thống nhất lập trường nhằm ứng phó với các thay đổi trên thế giới để xây dựng khối vững mạnh, thể hiện được vai trò trung tâm ở khu vực, sẵn sàng đương đầu với các thách thức trong khu vực và quốc tế.
"Chúng tôi cũng muốn khẳng định khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch vào năm 2020, Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy các kết quả ASEAN đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đóng góp thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, vì một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, liên kết chặt chẽ, có vai trò, vị thế ở khu vực và quốc tế", Thủ tướng cho biết.
Về quan điểm của Việt Nam với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang trở nên nối cộm, xuất hiện nhiều điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Các nước ASEAN phải giữ vững lập trường về biển Đông, kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn duy trì quan điểm rằng mọi vấn đề phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung mà ASEAN đang đóng góp giải quyết như các vấn đề liên quan tới biển Đông, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tội phạm xuyên quốc gia.
Riêng về biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những phát triển tích cực ban đầu trong việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Mặc dù vậy, Thủ tướng cho rằng tình hình vùng biển này vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp mà nổi lên là các hoạt động đơn phương phi pháp, bồi đắp đất thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa, va chạm gây nguy hiểm cho ngư dân. Thủ tướng khẳng định đây là thực trạng rất đáng quan ngại gây xói mòn lòng tin, không có lợi cho nỗ lực đối thoại và duy trì hòa bình ổn định ở khu vực.
Giải pháp mà Thủ tướng đưa ra là các nước ASEAN phải giữ vững lập trường về Biển Đông. Cùng với đó, các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp pháp luật quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Liên quan tới triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Thái Lan, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi quan hệ giữa 2 nước đang không ngừng lớn mạnh, đặc biệt từ khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013. Trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định 2 nước vẫn sẽ tiếp tục mối bang giao, hữu hảo đó với cơ sở là sự tiếp nối ổn định của chính phủ Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua của xứ Chùa vàng.
"Tôi tin tưởng rằng với nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận