Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Theo Thủ tướng, vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM hiện nay đã trở nên vô cùng cấp bách, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ về quy hoạch, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và đào tạo... cũng như nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM theo hướng Thủ tướng làm Trưởng ban; các Phó trưởng ban gồm 1 phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, TP.HCM; các thành viên gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Trước đó, vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng cho rằng quan trọng nhất là TP.HCM cùng Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TP.HCM.
Lấy ví dụ về việc Singapore đánh phí rất cao đối với ôtô đi vào khu trung tâm, Thủ tướng cho rằng, chính sách, thể chế là yếu tố quyết định vấn đề này, nếu không chú ý, chỉ luẩn quẩn trước mắt thì khó giải quyết.
Video: Cận cảnh 2 cầu vượt chạy vào tận cửa sân bay Tân Sơn Nhất
Do đó, trước tiên, biện pháp quy hoạch đô thị của TP.HCM phải được giải quyết tốt hơn. Trong đó, phải hạn chế tầng cao ở khu trung tâm khi chưa có hệ thống giao thông. "Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn", Thủ tướng nói.
Nêu nguyên nhân cơ bản của ùn tắc giao thông ở Việt Nam là phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh và "có quá nhiều xe máy, nhiều ôtô xen lẫn với nhau", Thủ tướng yêu cầu có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng, tổ chức lại không gian vận chuyển của TP.
Bên cạnh đó, phải tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối giao thông tốt hơn. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với TP.HCM để làm một trung tâm chỉ huy kết nối giao thông.
Bình luận