Thủ tướng Hungary nêu giải pháp kiềm chế lạm phát toàn cầu

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 03/07/2022 07:29:09 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Ukraine thay vì các đòn trừng phạt chống Nga có thể giúp giải quyết vấn đề lạm phát toàn cầu.

Theo Thủ tướng Hungary Viktor Orban, phần lớn nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. 

Ông Viktor Orban cho rằng, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga không phải là giai pháp tối ưu, việc cần làm là thúc đẩy để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Nga và Ukraine. Điều này sẽ cho phép cả hai bên thảo luận về khuôn khổ đàm phán hòa bình.

Thủ tướng Hungary nêu giải pháp kiềm chế lạm phát toàn cầu - 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh đây là giải pháp "vì lợi ích của Hungary và tất cả quốc gia mong muốn hòa bình".

Ông nói thêm, Chính phủ Hungary đang thực hiện những bước đi để điều hành kinh tế như hạn chế giá đối với một số sản phẩm để kiềm chế lạm phát, song đây chỉ có thể coi là giải pháp mang tính tạm thời.

Lãnh đạo Hungary cho biết, các sự kiện diễn ra trong vài tháng qua hối thúc Budapest tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó với các thách thức. Ông Viktor Orban cho rằng, tình hình ở Ukraine là "rất nghiêm trọng" và nguy cơ xung đột có thể lan đến Hungary.

“Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải tăng cường đáng kể khả năng quân sự của mình ngay bây giờ”, ông Viktor Orban cho hay.

Thủ tướng Hungary cũng nói rằng, NATO nên "củng cố cánh phía đông của liên minh".

Hôm 1/7, số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, lạm phát ở khu vực đồng euro đã tăng 8,6% trong tháng 6, khi khủng hoảng giá sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Tỷ lệ này trong tháng 5 ở mức 8,1%. Tỷ lệ lạm phát đang diễn ra ở khu vực cao hơn dự báo ​​của các nhà kinh tế.

Kể từ đầu năm nay, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và hầu hết nước châu Âu, đã phải chống chọi với mức giá tăng vọt do cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga gây ra. 

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 2 năm đại dịch, với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022.

Kông Anh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp