Phát biểu mở đầu cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung sáng 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu không tập trung quá nhiều vào tình hình, “phải rút ra được bài học nào trong phòng chống lũ lụt ở khu vực này”. Trong đó, phải xác định rõ những việc nào cần làm ngay để bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân, xử lý vấn đề môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh tinh thần không để người dân thiếu đói, rét, màn trời chiếu đất, Thủ tướng đề nghị đưa ra các giải pháp để bảo đảm điều này, “lực lượng nào tham gia”, làm sao để học sinh sớm trở lại trường học, giải quyết tốt hơn nữa vấn đề cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm.
Thủ tướng bày tỏ, thời gian qua, miền Trung liên tục gặp bão lũ, lũ chồng lũ, bão chồng bão, tai nạn nối tiếp tai nạn. Trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại lớn. Đến nay, mưa lũ đã làm 119 người chết, 21 người mất tích.
Thủ tướng chia sẻ “nhiều gia đình trắng tay, thiệt hại của bà con rất lớn”. Nhiều xã hiện nay còn bị ngập, nhiều người dân mất nhà cửa, đi lại gặp khó khăn. Nhiều trường học chưa thể mở cửa, môi trường bị đe dọa.
Gửi lời thăm hỏi của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Trung với tình cảm sâu đậm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác đến miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn nhất. Các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ.
Thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ, “đi trên đường thấy cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương đã huy động tổng lực; triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão; đã tổ chức sơ tán, di dời 79.570 hộ với 279.625 dân tại các khu vực ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.
Các địa phương thực hiện tốt công tác kêu gọi, hướng dẫn trú tránh, neo đậu đảm bảo an toàn cho 61.702 tàu thuyền. Đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện và tổ chức vận hành chủ động, linh hoạt các hồ chứa để góp phần cắt lũ cho hạ du.
Bình luận