Sáng 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị công bố xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, đồng thời công bố Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng ngày, Thủ tướng sẽ dự hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và tham gia cuộc họp của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của TP.HCM.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Việc triển khai kế hoạch không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho TP.HCM và Đà Nẵng mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định đây là một phần trong nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời đặt nền móng để Việt Nam tiến vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thịnh vượng và giàu mạnh.
Hội nghị được tổ chức trong những ngày đầu năm 2025 - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn tăng tốc và bứt phá nhằm hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh đó, năm 2025 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và trách nhiệm phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay đặt ra nhiều thách thức với những biến động khó lường, trong đó hệ thống tài chính toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ. Nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới ngày càng gia tăng, hướng tới cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách và tạo sự khác biệt so với các trung tâm tài chính truyền thống.
Vì vậy, đây là cơ hội quý giá để Việt Nam tham gia vào "cuộc chơi" toàn cầu, đồng thời tận dụng nguồn lực tài chính đang dịch chuyển trên thế giới.
Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội phù hợp với thông lệ quốc tế.
TP.HCM và Đà Nẵng hiện được xem là hai địa phương có nền tảng vững chắc để phát triển các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Với những lợi thế sẵn có, hai thành phố này đang được đánh giá là những trung tâm tài chính mới nổi đầy triển vọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.
"Quyết tâm xây dựng các trung tâm tài chính không chỉ thể hiện khát vọng vươn lên của Việt Nam mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trước đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đề án, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, trong khi Đà Nẵng sẽ được xây dựng thành trung tâm tài chính khu vực.
Về chính sách và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương thực hiện từ nay đến năm 2030. Cụ thể: Ban hành và triển khai ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Thí điểm áp dụng 6 nhóm chính sách phổ biến tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, với lộ trình triển khai hợp lý nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình trong nước.
Bình luận