• Zalo

Thủ tướng dự hội nghị 50 năm ASEAN - Australia, thăm Australia và New Zealand

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 01/03/2024 12:26:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhận lời mời của Australia và New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân dự hội nghị cấp cao 50 năm quan hệ ASEAN- Australia, thăm Australia và New Zealand.

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 5-11/3.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia được tổ chức tại Melbourne, Australia từ ngày 5-6/3 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Australia và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự hội nghị lần này với tư cách quan sát viên.

Hội nghị có chủ đề “Đối tác cho tương lai”, được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Australia diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để hai bên rà soát quan hệ 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập vào năm 2021.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự các phiên họp chính và có một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia

Australia là một trong những đối tác đầu tiên lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1974. Hai bên nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) năm 2021. Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại khu vực Đông Nam Á (TAC) năm 2005.

Quan hệ ASEAN-Australia được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, bao gồm các cuộc họp thường niên cấp Lãnh đạo, Bộ trưởng Ngoại giao, quan chức cao cấp (SOM), và Ủy ban Hợp tác chung (JCC). Ngoài ra, hai bên còn có nhiều cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng, SOM, và cấp làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành như quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kinh tế, lâm nghiệp…

Hợp tác ASEAN-Australia hiện được triển khai trên cơ sở Kế hoạch Hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2020-2024 và Phụ lục triển khai Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Australia. Đến tháng 3/2023, tất cả các dòng hành động thuộc Kế hoạch Hành động ASEAN-Australia giai đoạn 2020-2024 và Phụ lục đã hoặc đang được triển khai.

Về Hợp tác chính trị-an ninh, Australia tham gia tích cực vào các khuôn khổ do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biển, an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia, … 

Về Hợp tác kinh tế, Australia là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của ASEAN: Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Australia đạt 101,08 tỷ USD năm 2022 theo thống kê từ ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Australia vào ASEAN đạt 2,01 tỷ USD năm 2022.

Australia là quốc gia thứ 8, là một trong năm nước Đối tác đối thoại của ASEAN, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). ASEAN, Australia, và New Zealand đã hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Tháng 9/2023, Australia ra mắt “Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040”, do ông Nicholas Moore, Đặc phái viên của Australia tại khu vực Đông Nam Á chịu trách nhiệm phát triển.

Về Hợp tác văn hóa xã hội và hợp tác phát triển, Hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Australia tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển tại các nước, và giữa các nước ASEAN; phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Me Kong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong toàn khu vực.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn