Chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng đề nghị thảo luận “nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp”? Thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng, trong khi đó, đến nay giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân ODA cũng có chuyển biến nhưng tỷ lệ còn thấp.
Theo Thủ tướng, vấn đề thấy rõ nhất là giải phóng mặt bằng. Tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được? Nguyên nhân là chưa quan tâm hay chưa có cách làm đúng mức. Thủ tướng nêu rõ, vấn đề mặt bằng chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh.
Vấn đề nữa là vốn đối ứng. Thủ tướng nêu tình trạng nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án, “giải pháp nào cho vấn đề này”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, Thủ tướng chỉ đạo “cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA thì phải nói rõ”.
Thủ tướng cũng chỉ ra các nguyên nhân về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án kém năng lực, lúng túng, không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công. Việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản.
Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh thảo luận tình hình, nguyên nhân thì cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, “không đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương. Phải xắn tay vào cuộc, phải quyết chí trong lãnh đạo, phấn đấu đến cuối năm đạt được tỷ lệ giải ngân cao hơn nữa.
“Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng lưu ý.
Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Giữa tháng 7/2020, Thủ tướng từng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công vài ngày sau khi chuyến kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng tại tỉnh Ninh Bình về công tác này. Sang tháng 8, Thủ tướng tiếp tục chủ trì Hội nghị giao ban toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công để xem kết quả đã làm được đến đâu kể từ hội nghị trước, có gì vướng cần tháo gỡ.
Trong tháng 7 và 8 đã có kết quả đáng mừng ở phần lớn và phần lớn các bộ, ngành, địa phương đều hứa, có quyết tâm giải ngân từ 95-100% vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có số vốn lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Tuy nhiên, một trong những khâu còn yếu là giải ngân vốn ODA.
Tại Hội nghị trực tuyến hôm nay, các bộ, ngành, địa phương sẽ đánh giá tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, để làm sao giải quyết “3 đọng” thường thấy trong vấn đề giải ngân mà Thủ tướng đã chỉ ra: Vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”) và thủ tục đọng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao.
Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%). Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân ước 10 tháng so với kế hoạch Thủ tướng giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn thấp.
Bình luận