• Zalo

Thủ tướng: Cổng dịch vụ công Quốc gia chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính

Thời sựThứ Hai, 09/12/2019 19:16:00 +07:00Google News

Thủ tướng nhấn mạnh, Cổng DVCQG là công cụ góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Chiều nay, 9/12, tại Hà Nội, thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức lễ khai trương với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, cũng như cấp xã tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến, với tổng số đại biểu khoảng 50.000 người.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng cổng dịch vụ công các cấp và Cổng DVCQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển các hệ thống Chính phủ điện tử, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử. Những nước thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đều coi cổng dịch vụ công là một trong những hệ thống trụ cột được chú trọng xây dựng và liên tục nâng cấp để hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Để đưa vào hoạt động Cổng DVCQG hôm nay, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, trong đó có vai trò cá nhân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã chủ động, nỗ lực, quyết liệt thực hiện. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đánh giá cao nhiều bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia…

Đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ “góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói.

NQH07147

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương (Ảnh: VGP)

Việc khai trương Cổng DVCQG hôm nay là dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trước mắt, đưa những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên cổng. Các dịch vụ công tiếp theo sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi bộ, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.

Cổng DVCQG ra đời khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Hôm nay chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục và hiệu quả, Thủ tướng lưu ý: mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, đã kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các bộ, cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền.

Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa,“Chúng ta nên nhớ rằng tỉnh và bộ, ngành phải là đơn vị cung cấp dịch vụ công là chính”, Thủ tướng nói. 

NQH07093-2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG. (Ảnh: VGP)

Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, thậm chí giữa các cơ quan liên bộ, ngành, do đó để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính thì các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau. Như vậy mới có thể giảm bớt giấy tờ, đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục, mới có thể là cải cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm.

Giờ đây, Cổng DVCQG đã hình thành, các bộ, ngành, địa phương đang dần kết nối với cổng. Tuy nhiên, để theo sát thúc đẩy mức độ sử dụng thực sự của người dân, doanh nghiệp thì cần phải có phương án đánh giá được hiệu quả sử dụng. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

IMG_3611 3

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng DVCQG. 

Bảo đảm sự ổn định thông suốt của cả hệ thống dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải bảo đảm an ninh an toàn thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống thông tin quan trọng quốc gia này. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp bảo đảm an toàn an ninh thông tin đối với các hạng mục trong Chính phủ điện tử, trong đó có hệ thống cổng dịch vụ công.

Các bộ, các tỉnh tiếp tục nâng cấp cổng dịch vụ công của bộ, địa phương để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng DVCQG, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng DVCQG.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ, cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.

Xuân Trường
Bình luận