Nhận định trên được Thủ tướng đưa ra trong bài phát biểu khai mạc phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6, diễn ra sáng 31/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định, dòng nước Mekong ngàn đời nay vẫn uốn lượn hiền hòa qua những vùng đất trù phú của chúng ta. Dòng sông chính là mạch nguồn kết nối tự nhiên cuộc sống, giao lưu văn hóa, sự thịnh vượng của muôn triệu người dân.
Trong 25 năm qua, hợp tác GMS không ngừng mở rộng về quy mô, khẳng định được bản sắc riêng của một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược 3C: Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh.
Hàng trăm dự án với tổng vốn 21 tỷ USD được triển khai trong nhiều lĩnh vực, từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường. Nhiều chiến lược hợp tác tổng thể với tầm nhìn dài hạn như Hành lang Kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và phía Nam.
Theo Thủ tướng, từ một khu vực với những quốc gia nghèo khó và chậm phát triển trong thế kỷ trước, đến nay GMS vươn lên và tự hào là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa và tích cực hội nhập và có một thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Thành công của GMS minh chứng cho khát vọng và quyết tâm xây dựng khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững vì người dân.
Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia hợp tác GMS, nỗ lực thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đã có nhiều công trình kết nối hiệu quả bước đầu giữa Việt Nam và các nước GMS như hành lang kinh tế Đông Tây, hệ thống cầu đường kết nối ĐBSCL, hành lang ven biển phía Nam, cao tốc Nội Bài-Lào Cai-Vân Nam.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy GMS hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy hết tiềm năng khu vực Mekong và cảnh báo: “GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy nội lực của từng quốc gia, đồng thời liên kết hiệu quả tạo lên sự cộng hưởng về sức mạnh của khu vực GMS trong tăng trưởng nhanh, phát triển đồng đều về kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường”.
Thủ tướng đánh giá cao việc xây dựng Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 cùng với Khung Đầu tư Khu vực 2022 với 220 chương trình dự án và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá 66 tỷ USD và đề nghị xây dựng tầm nhìn hợp tác GMS đến năm 2030 với nhiệm vụ chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các quốc gia GMS tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường phối hợp ứng phó với những thách thức chung của khu vực, đặc biệt là biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng đã nêu lên một số nội dung hợp tác lớn cần chú trọng:
Thứ nhất, phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và GMS với bên ngoài. Thứ 2, thúc đẩy kết nối và tương hỗ về thương mại, đầu tư các quốc gia trong tiểu vùng GMS có sự tương đồng về mặt hàng, sản phẩm nhất là nông, lâm, thủy sản. Thứ 3, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Thứ 4, xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau đối phó với những thách thức chung.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm của các chính phủ, sự đồng lòng của người dân và sự đồng hành của ADB và các đối tác phát triển, GMS hoàn toàn tự tin có thể tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên quan trọng trong khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững, mang lại thịnh vượng cho người dân.
Video: Thủ tướng đi trực thăng thị sát đồng bằng sông Cửu Long
Bình luận