Thủ tướng chỉ cách 'chữa bệnh' cho thị trường chứng khoán, bất động sản

Đầu TưThứ Bảy, 17/12/2022 21:16:00 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng chỉ đạo dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".
Thủ tướng chỉ cách 'chữa bệnh' cho thị trường chứng khoán, bất động sản - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Thủ tướng lấy ví dụ, thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau. "Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp...

"Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tất cả đều phải vào cuộc

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thực hiện nhất quán, vận dụng phù hợp đường lối đúng đắn nói trên, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn