Tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập năm 2018 là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 12 ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức để kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước”.
Kể từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban mới chỉ có 3 đồng chí, gồm 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch, trong khi với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải bảo đảm lượng tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp hiệu quả, đúng mục tiêu.
Ủy ban có khối lượng công việc rất lớn, bao gồm các nhiệm vụ thực hiện theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, xử lý các dự án, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc quản lý; là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương ...
Xuất phát từ thực tế trên và yêu cầu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp Nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gắn liền với tăng cường hiệu quả xử lý, hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho Ủy ban, ngày 25/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1298/QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là sự bổ sung kịp thời lãnh đạo cho Ủy ban.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình bày tỏ tin tưởng với gần 23 năm công tác trong bộ máy Nhà nước, từng đảm nhiệm qua các vị trí, chức vụ quan trọng trong lĩnh vực tài chính tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tân Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đã thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, phù hợp với vai trò hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, được đánh giá cao và phù hợp với sự bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương phân công nhiệm vụ, lĩnh vực doanh nghiệp theo dõi, chủ động kiện toàn Ban Cán sự Đảng để Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh sớm phát huy năng lực, phối hợp cùng với Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Ủy ban tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, thứ nhất, thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật, các quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sát cánh cùng các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi trình cấp có thẩm quyền để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện mô hình hoạt động của Ủy ban nhằm thực hiện tốt các yêu cầu mà Nghị quyết số 12 ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đặt ra, xây dựng kinh tế Nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực sự kinh doanh có hiệu quả cùng với các thành phần kinh tế khác cùng phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Thứ hai, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp phải thích ứng với trạng thái “bình thường mới” vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”; thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, chậm tiến độ ngành Công Thương, giúp Ban Chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Thứ ba, khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2020.
Thứ tư, hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn như các Tập đoàn: Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Hóa chất, Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam ...
Thứ năm, kiện toàn, bổ sung đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi của Ủy ban theo quy định; thực hiện kiện toàn đầy đủ các chức danh cán bộ chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo hỗ trợ và tạo điều kiện để đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ủy ban.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, sinh ngày 14/1/1972 tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ kinh tế Trường Đại học Birmingham (Anh); chuyên viên cao cấp, cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Cảnh từng đảm nhiệm các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính); Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận