Sáng 3/10, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành.
Đột phá trong thể chế là quan trọng nhất
Ông Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng Việt Nam đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Trong đó, ông Trường cho rằng thể chế là quan trọng nhất, làm sao để huy động được nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cũng là cơ chế nhưng làm sao thu hút được người tài, phát huy được người tài.
"Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần có sự đột phá. Vấn đề cốt tử nhất là tập trung ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Chỉ có công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao mới tạo ra năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan trọng nhất là phải làm sao nghiên cứu, làm chủ được thiết kế, làm chủ được công nghệ lõi, làm chủ được kỹ thuật để bứt phá.
Vừa qua, trong nông nghiệp, công nghiệp, các nhà khoa học, các viện đã nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng cao và hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu được tới một số nước, đây là những điểm rất sáng", Thứ trưởng Bế Xuân Trường nói.
Năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trên mọi lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cả năm dự kiến đạt 6,7%. Năm 2018 dự kiến đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Lĩnh vực khác cũng đạt nhiều thành tựu; giúp vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Các đại biểu cho rằng tình hình đất nước trong ba năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang nhận định, trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt đến tình hình sản xuất, đời sống và việc làm của nhân dân, nhưng tình hình kinh tế- xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, dự báo hầu hết các chỉ tiêu đều thực hiện đạt và vượt.
Đây là kết quả cố gắng của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ đã thể hiện tinh thần quyết liệt, đổi mới, sâu sát, quan tâm đến các địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn.
ÔngHoàng Đăng Quang cho rằng, độ mở nền kinh tế khá lớn, thể hiện rõ chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm và dự ước năm 2018 tăng khá cao. Thị trường xuất khẩu mở rộng 200 quốc gia và lãnh thổ.
Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, nổi bật là thu nội địa tăng khá, chiếm 82% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Dự ước năm 2018 bội chi ngân sách nhà nước ước koảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7%. Điều này cho thấy điều hành thu chi ngân sách khá chặt chẽ và bội chi ngân sác giảm dần hàng năm. Năm 2016 là 5,52% GDP, hiện nay 3,67% GDP.
Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Đăng Quang, đại biểu Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh bày tỏ, bức tranh kinh tế- xã hội năm 2018 đầy thuyết phục, cao hơn năm 2017 trong một số chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng đến 9 tháng là 6,98% và dự kiến cả năm là 6,7-6,8%.
Trước bối cảnh trong và ngoài nước thời gian tới còn nhiều chuyển biến khó lường, các đại biểu cho rằng không nên chỉ có dự báo lạc quan, màu hồng mà cần dự báo đúng môi trường chiến lược, đánh giá đúng tình hình để có những quyết sách phù hợp, từ đó đạt được các mục tiêu trong năm nay, năm 2019 cũng như đến năm 2020.
Quốc hội cần sớm sửa đổi một số Luật
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần sớm sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc xử lý các loại tài sản công, để khơi thông cho các địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Bí thứ Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, thời gian qua, thủ tục hành chính với người dân được cải thiện nhiều. Tuy nhiên các thủ tục giải quyết các dự án cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó cần có các quỹ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng thương mại chịu lãi suất cao, từ đó làm giảm sức cạnh trạnh của doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị cần có các phương thức huy động vốn hiệu quả để phát triển hạ tầng giao thông, vì hạ tầng giao thông không phát triển thì kinh tế không thể phát triển.
"Chúng ta sớm sửa đổi Luật Đầu tư công, luật đầu tư công làm chậm quá trình giải ngân. Khâu đột phá thứ hai về kết cấu hạ tầng, chúng tôi thấy trước tiên hoàn thiện hệ tầng giao thông nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tập trung nguồn lực cũng như không có biện pháp tháo gỡ chính sách thì các dự án giao thông chậm triển khai.
Đề nghị ngân sách nhà nước nên tập trung nhiều hơn cho giao thông. Vì có hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế phát triển. Thứ hai, sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT, BT để huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư, với điều kiện khó khăn như này nếu vướng mắc cơ chế BOT, BT thì khó cho đầu tư các hạ tầng”, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nói.
Nông nghiệp phải trở thành bệ đỡ
Coi trọng và tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp để nông nghiệp là bệ đỡ, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Các ý kiến đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển, mở rộng sản xuất, theo hướng khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của từng vùng, miền, địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng cần dồn sức xây dựng 15 nghìn hợp tác xã kiểu mới và đào tạo nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn. Đây là khâu quan trọng nhất để đưa nền nông nghiệp bước sang giai đoạn mới, đạt mục tiêu yêu cầu như Chính phủ đề ra.
"Dựa trên những phân tích, tổng hợp, đồng chí kiến nghị năm 2019, Quốc hội nên đặt chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm trong nước) tăng từ 6,7-6,9% và kỳ vọng có thể cao hơn là 7%. Như vậy, cốt lõi tăng trưởng 6,7-6,9% là cần thay đổi cách sử dụng đất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông nghiệp, chúng ta phải phát triển mạnh nền nông nghiệp hiện đại với sự kết nối mạnh mẽ giữa các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh đầu tàu. Chúng ta không thể công nghiệp hóa một chiều mà phải công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn mạnh mẽ để cân đối lực lượng lao động, hướng tới xây dựng nông thôn mới.
Tập trung xây dựng thể chế, chính sách để xây dựng 6 nhà thành công. Trong đó khuyến khích các hộ nông dân cho thuê đất nông nghiệp hoặc góp giá trị quyền sử dụng đất mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất để tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đạt lợi thế về quy mô, giảm chi phí trong chuỗi giá trị”, ông Thào Xuân Sùng nói.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần phân tích, từ đó xác định tốc độ tăng trưởng; rà soát quy hoạch ở vùng sản xuất lúa hợp lý trên cơ sở ổn định diện tích lúa hiện nay đã được Quốc hội quyết định, cho phép các tỉnh, thành phố có thể chuyển đổi một phần diện tích nhất định để nuôi, trồng những cây có giá trị kinh tế cao trong vòng từ 7-15 năm, khi cần thiết đưa lại những diện tích này để sản xuất lúa nhưng phải là lúa công nghệ cao, chất lượng cao, phù hợp cho xuất khẩu. Như vậy sẽ tập hợp đoàn kết được nhân lực ở nông thôn, cũng như các doanh nghiệp.
Bình luận