(VTC News)- Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng nếu ASEAN không lên tiếng, không bày tỏ trách nhiệm của mình đối với hòa bình, an ninh khu vực thì những sự việc tương tự sau này sẽ tiếp diễn.
- Thưa Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, trên thực địa tình hình vẫn căng thẳng, 7 ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thông điệp mạnh mẽ, tình hình không có gì biến chuyển. Vậy, ông có nhận định gì về tình hình hiện nay?
Tình hình tiếp tục nghiêm trọng, sự nghiêm trọng này đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Nguyên nhân sự nghiêm trọng này là sự gia tăng gây hấn, tiếp tục duy trì giàn khoan một cách trái phép sâu trong thềm lục địa của Việt Nam cộng với huy động tàu bè ngày càng lớn hơn, trong đó có tàu vũ trang và tàu quân sự.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tại trường quay |
Trong tuần qua, chúng ta chứng kiến đợt dư luận rất mạnh mẽ của quốc tế, khu vực và tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24, toàn bộ các văn kiện của ASEAN đều nêu vấn đề Biển Đông và nêu đậm mối quan hệ và quan ngại rất sâu sắc của ASEAN. Từ đấy, tạo làn sóng yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng luật pháp quốc tế, công ước về luật biển cũng như những cam kết mà họ đã thỏa thuận với quốc tế và khu vực, trong đó có tuyên bố về ứng xử các bên với vấn đề Biển Đông (DOC).
Mặt khác, chúng ta thấy trong suốt thời gian tình hình nghiêm trọng này, Việt Nam kiên trì kiềm chế, đối thoại, đặc biệt trong đó có đối thoại, giao thiệp ở các cấp với Trung Quốc để làm sao có thể giải quyết được tình hình bằng việc Trung Quốc rút giàn khoan, tàu thuyền khỏi vùng biển Việt Nam.
Bức tranh này cho người ta thấy rõ những cái trắng, cái đen và những giải pháp chính đáng, đúng đắn của Việt Nam.
|
- Việc ASEAN đồng thuận đưa ra một tuyên bố về Biển Đông có tác động như thế nào tới cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta hiện nay?
Muốn ASEAN ra được đồng thuận, phải tranh thủ tất cả các ý kiến của các nước. Đặc biệt là tuyên bố riêng của bộ trưởng các nước ASEAN. Các nước nhận thức rất rõ về nguy cơ và mối đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan.
Sự vi phạm toàn bộ quy định về mặt nguyên tắc luật pháp quốc tế, công ước về luật biển và thỏa thuận DOC, cho thấy các nước rất lo ngại. Nếu như không lên tiếng, không bày tỏ trách nhiệm của mình đối với hòa bình, an ninh khu vực thì những sự việc này sau sẽ tiếp diễn.
Với sự đồng thuận của khu vực, tiếng nói được nhân lên, không chỉ trong ASEAN mà còn với các diễn đàn, hội nghị an ninh của khu vực, quốc tế, chống lại sự vi phạm. Việc này góp phần tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh về mặt công luận, pháp lý.
- Trong nhiều văn kiện của mình, ASEAN công bố tiếp tục tăng cường vai trò chủ đạo trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định trên khu vực Biển Đông. Theo ông, thời gian sắp tới, ASEAN còn phải làm gì để tăng cường vai trò chủ đạo của mình?
ASEAN là hội bảo đảm tăng cường quan hệ hợp tác và đối thoại để duy trì được hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển. Việc làm vừa qua của ASEAN đã thể hiện một phần vai trò chủ đạo của mình.
Trong thời gian tới, một mặt ASEAN phải nêu cao giá trị của tuyên bố này. Những quan điểm đồng thuận của khu vực là tiếng nói chung của khu vực, ASEAN phải truyền tải được thông điệp của mình đến các đối tác, các nước khác trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc.
Trong thời gian tới, một mặt ASEAN phải nêu cao giá trị của tuyên bố này. Những quan điểm đồng thuận của khu vực là tiếng nói chung của khu vực, ASEAN phải truyền tải được thông điệp của mình đến các đối tác, các nước khác trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc.
ASEAN cần gia tăng nỗ lực của mình để thúc đẩy dư luận, phản đối hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, tấn công tàu Việt Nam |
- Trung Quốc vi phạm DOC, thậm chí tỏ ra không quan tâm đến văn kiện này. Vậy, sự cần thiết của COC sẽ được hiểu như thế nào?
Giá trị của các văn bản pháp lý luật pháp quốc tế, công ước luật biển hay là thỏa thuận như DOC và việc bảo đảm thực hiện những thỏa thuận, nghĩa vụ quốc tế đã có tạo ra một khuôn khổ cam kết, tạo nên môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Những tranh chấp có thể giải quyết hòa bình, những vi phạm như cái cách Trung Quốc đặt giàn khoan đã không xảy ra.
ASEAN cùng những thỏa thuận đã có phải tiếp tục gia tăng tiếng nói để bảo đảm thỏa thuận phải được thực hiện.
Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ nhìn nhận lại tình hình thực tế hiện nay, những nguy cơ hòa bình, an ninh tại đây đê có thể bổ khuyết, củng cố những giá trị, nguyên tắc tích cực đã có trong DOC.
DOC chưa có được ràng buộc pháp lý, chưa có được cơ chế bảo đảm ngăn ngừa những rủi ro, xung đột xảy ra.
|
- Dư luận quốc tế theo dõi rất sát sao tình hình trên Biển Đông cũng như cách hành xử của Việt Nam trong vụ việc này. Theo ông, các giải pháp ngoại giao của chúng ta đang ở thế thuận lợi gì và chúng ta còn tính tới yếu tố gì có thể tác động đến tình hình?
Chúng ta có chính nghĩa mà thế giới rất ủng hộ. Chúng ta kiên trì hòa bình để giải quyết trên luật pháp quốc tế, kiên trì đối thoại các cấp ở Trung Quốc. Giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là cách tốt nhất vừa có lợi cho hai bên vừa có lợi cho hòa bình khu vực.
Tuy nhiên, nguy cơ ngày một gia tăng, bước tiếp theo của chúng ta là thông tin cho dư luận thấy rõ những vi phạm và nguy cơ.
Tôi cho rằng, thời gian vừa qua, chúng ta đã giải quyết tổng thể các bước đi bao gồm cả truyền thông, trao đổi tại khu vực, quốc tế, thông tin cho Liên Hợp Quốc, yêu cầu ASEAN có tiếng nói chung. Yêu cầu giải quyết hòa bình và yêu cầu cao nhất là Trung Quốc chấm dứt vi phạm bằng việc rút ngay giàn khoan và tàu thuyền đang nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.
- Mỗi người Việt Nam cần có sự nhìn nhận xác định và hành động như thế nào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền hết sức khó khăn này?
Dân tộc Việt Nam yêu nước, hòa hiếu, luôn luôn lấy chính nghĩa làm trọng. Thời gian này, chúng ta cần thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
TheoToàn cảnh Thế giới
Bình luận