Tại họp báo Chính phủ chiều 3/8, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thông tin trên. Ông phân tích, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân nhóm thí sinh thành F0 (dương tính nCoV), F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh), F2 (tiếp xúc gần với F1). Trường hợp F1, F2 dự kiến thi tại điểm thi riêng hoặc phòng thi riêng tại các điểm thi. Thí sinh còn lại thi theo kế hoạch.
"Tuy nhiên, đến nay Bộ đã có phương án thi hai đợt nên những thí sinh dương tính nCoV sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp. Trường hợp F1, F2 sẽ tham dự đợt thứ hai. Bởi khi đó, các em đều đã qua 14 ngày cách ly", ông Độ phân tích.
Trước lo ngại thí sinh dự thi đợt hai sẽ gặp khó khăn trong xét tuyển đại học, cao đẳng, ông Độ khẳng định "sẽ có văn bản chỉ đạo các trường đại học tạo thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh, chia chỉ tiêu phù hợp cho học sinh dự thi đợt hai, đảm bảo xét tuyển công bằng, khách quan".
Giải thích thêm về phương án thi tốt nghiệp THPT, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tại cuộc họp cùng ngày, Thủ tướng kết luận không thể lùi kỳ thi bởi liên quan đến xét tuyển đại học. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019, thẩm quyền quyết định thi thuộc về Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
"Những địa phương không phải giãn cách xã hội sẽ thi bình thường nhưng phải có giải pháp phòng dịch như thí sinh ngồi giãn cách, rửa tay, đeo khẩu trang, sát khuẩn...", ông Dũng nói.
Về ý kiến đề xuất xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT do COVID-19, ông Dũng phân tích, theo Luật Giáo dục thì học sinh hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Vậy nên muốn xét đặc cách công nhận tốt nghiệp cho tất cả thí sinh thì phải báo cáo Quốc hội - cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, phải xem xét việc xét đặc cách tốt nghiệp ảnh hưởng ra sao đến quyền lợi của thí sinh vì liên quan đến xét tuyển đại học. "Hiện nhiều trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với học sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển đại học thì sẽ thuận lợi, nhưng học sinh muốn xét tuyển học bậc cao hơn thì sẽ như thế nào, nên phải cân nhắc", ông Dũng phân tích.
Sáng 3/8, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định kỳ thi, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Các đơn vị phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Ngày 9-10/8, khoảng 900.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Các em sẽ phải làm 3 bài thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở tâm dịch Đà Nẵng gần 11.000, Quảng Nam hơn 16.500.
Bình luận