Sáng 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất, các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.
Còn các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.
Về đề xuất trên, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện Bộ GD&ĐT chưa đưa quyết định chính thức, nên các trường đại học dự kiến thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh đã công bố.
Nếu trong trường hợp Bộ thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay thì các trường cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
"Tình hình dịch ở các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… diễn biến khó lường, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT ra làm 2. Bởi điều đó sẽ đảm bảo an toàn sức khoẻ cho thí sinh, đồng thời không gây nhiều xáo trộn trong công tác tuyển sinh của các trường", PGS Cảnh nói.
Nếu phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, thì trường sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt. Ví như đợt 1 có 70% thí sinh cả nước tham dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường căn cứ vào số liệu đó để tuyển sinh 70% chỉ tiêu, số còn lại để dự phòng cho đợt thi sau. Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền khẳng định các sẽ trường không gặp nhiều khó khăn, xáo trộn.
GS.TS Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỏ-Địa chất cũng ủng hộ phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay làm 2 đợt để đảm bảo an toàn cho các thí sinh. Các trường đại học hoàn toàn làm chủ công tác tuyển sinh, vì hầu hết đều đã thực hiện tự chủ và tuyển sinh nhiều đợt, nhiều phương thức trong năm học.
Hiện Bộ GD&ĐT có kho cơ sở dữ liệu tuyển sinh, các trường có thể căn cứ vào đó để tính toán phân bổ chỉ tiêu thành nhiều đợt.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, trong trường hợp Bộ tổ chức 2, 3 hay 4 đợt thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học không bị thay đổi nhiều.
"Đến nay, Đại học Kinh tế quốc dân chưa có phương án mới hay điều chỉnh, tất cả đều đợi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn thi, làm bài tốt và đạt điểm cao, không nên quá lo lắng, mất tinh thần", PGS Triệu đưa ra lời khuyên cho thí sinh.
Trong khi đó, theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia thành nhiều đợt thì buộc các trường phải có sự điều chỉnh trong kế hoạch tuyển sinh. Các trường có nhiều cách thức tuyển sinh khác nhau nhưng cần đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh ở cả hai đợt xét tuyển, đặc biệt về chỉ tiêu xét tuyển.
"Với thí sinh ở đợt đầu thì vẫn xét tuyển, đào tạo, giảng dạy như bình thường. Sau đó đợt xét tuyển bổ sung sau các trường có chỉ tiêu nhất định với thí sinh ở vùng dịch”, thầy Tùng cho hay.
Tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng, khó có thể đảm bảo tính công bằng giữa thí sinh hai đợt. Các thí sinh vùng dịch hiện đã thiệt thòi hơn những địa phương khác, chưa kể thi đợt 2 có thể bị ức chế về tâm lý.
Với Đại học FPT, trường sẽ căn cứ vào tỉ lệ nhập học hàng năm để dự phòng một số chỉ tiêu nhất định cho thí sinh đợt 2. Với phương thức xét tuyển học bạ có thể tuyển sinh ngay được nhưng thí sinh chỉ có thể nhập học chính thức khi đã tốt nghiệp THPT.
Bình luận