Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế với lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở Y tế. Cuộc họp nhằm mục đích lắng nghe báo cáo và tháo gỡ vướng mắc cho các bệnh viện sau khi chuyển giao Trung tâm Hồi sức COVID-19.
"Mặt trời đã rất sáng"
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đợt ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM cơ bản thành công bước đầu. Từ ngày 1/10, thành phố chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với COVID-19.
Từ sau ngày 15/10, Bộ Y tế quyết định rút dần lực lượng chi viện của Trung ương và các địa phương khỏi TP.HCM.
"Trong tình hình mới, số lượng ca mắc ở TP.HCM vẫn ở mức 1.000 F0 mỗi ngày, ca tử vong giảm đáng kể từ hàng trăm xuống còn vài chục. Do đó, thành phố cần tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp tình hình mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tập trung theo dõi, phát hiện dịch, xử lý và khoanh vùng dịch", Thứ trưởng Sơn chỉ đạo.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, cho biết để ứng phó với tình huống dịch lâu dài, Bộ Y tế đang xây dựng đề án tăng cường năng lực hồi sức tích cực, đa nguồn lực điều trị, đáp ứng kịch bản số ca mắc gia tăng, hạn chế tỷ lệ tử vong.
"Số ca tử vong ở TP.HCM ngày càng giảm, bệnh nhân nặng ở trung tâm hồi sức cũng giảm dần. Chúng ta thấy mặt trời đã rất sáng, thành phố cũng đang làm chủ được các bệnh viện, từ trung tâm hồi sức đến cơ sở tuyến dưới", ông Khuê nói.
Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh để ứng phó với dịch trong thời gian tới, việc thiết lập trạm y tế lưu động cung cấp oxy, nhu yếu phẩm, thuốc, dinh dưỡng tại nhà cho F0 rất cần thiết. Bệnh nhân tuyến dưới được chăm sóc tốt sẽ giảm tải đáng kể cho bệnh viện tầng trên.
PGS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh khái niệm bệnh viện hay trung tâm hồi sức chỉ mang tính chất tương đối. Sắp tới, các bệnh viện ở TP.HCM sẽ thành lập khoa COVID-19 vì xác định dịch lâu dài. Các bệnh viện phải chuẩn bị phòng cách ly, oxy, thuốc..., nên không thể có khái niệm bệnh viện "sạch" COVID-19.
Các bệnh viện tầng 3 gặp khó khăn
Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết từ đầu tháng 7, đơn vị này đã chủ động tách đôi điều trị COVID-19, cử đội ngũ y bác sĩ tinh nhuệ tham gia hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Bệnh viện Ung bướu 2).
Mới đây, bệnh viện này tiếp nhận Trung tâm hồi sức COVID-19 được chuyển giao từ Bệnh viện Bạch Mai. Mọi công tác tiếp nhận diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, trong một tuần qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn về công tác nhân sự. "Chúng tôi chia quân từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đến nay đã hơn 4 tháng chưa được về nhà", TS Hải nói.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều hành Trung tâm Hồi sức COVID-19 được chuyển giao từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trước đó, đơn vị này đã chuyển 73 bệnh nhân Covid-19 từ Trung tâm Hồi sức COVID-19 đặt tại một bệnh viện tư sang cơ sở mới tiếp nhận. PGS Bắc xin ý kiến thành phố về việc tính toán bàn giao lại cơ sở vật chất cho bệnh nhân tư nhân. Hiện tại, Trung tâm không quản lý trang thiết bị, cái gì của Bộ Y tế thì đã hoàn trả lại theo nhu cầu sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc đặt vấn đề liên quan tài chính, chi phí điều trị COVID-19. Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vận hành Trung tâm Hồi sức do Bộ Y tế quyết định thành lập và hỗ trợ phần kinh phí hoạt động. Trước đó, Bộ Y tế đã 2 lần cấp kinh phí hoạt động cho bệnh viện, mỗi đợt 30 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận Trung tâm Hồi sức từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vẫn tiếp tục sử dụng kinh phí này. Tuy nhiên, hiện chi phí chưa đủ so với kinh phí mà bệnh viện đầu tư. Do đó, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc xin ý kiến làm rõ vấn đề kinh phí hoạt động, đó là Bộ Y tế hay ngân sách của TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ.
PGS Bắc cũng xin ý kiến Bộ Y tế và lãnh đạo thành phố về quy mô hoạt động của bệnh viện để quy hoạch nhân sự phù hợp. Bởi "bệnh viện luôn quá tải, luôn thiếu người" khi phải hoạt động song song 2 cơ sở.
Tập trung vaccine cho học sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch COVID-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm, không chỉ ngành y tế mà trong công tác quản lý, hỗ trợ.
Dù trên tâm thế sẵn sàng, chúng ta vẫn có những bối rối lúc đầu, sau đó xốc lại nhanh để đưa đến trạng thái ổn định của TP.HCM. Hiện tại, ngành y tế cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm qua đợt dịch này, không lơ là chủ quan trong tình hình mới.
"Quan điểm của Bộ Y tế là các cơ sở điều trị COVID-19 phải sẵn sàng, bởi chúng ta không thể đưa đến trạng thái zero COVID-19 khi mà bệnh nhân COVID-19 vẫn còn. Do đó, nâng cao tinh thần sẵn sàng phòng, chống dịch tại cơ sở y tế rất quan trọng", Thứ trưởng nói.
Về vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Sơn cho biết đây là thời điểm TP.HCM tập trung vaccine. Từ nay đến cuối tháng 10, ông Sơn đề nghị TP.HCM cố gắng phủ hết vaccine COVID-19 an toàn cho toàn bộ người trên 18 tuổi.
Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị tiêm vacicne cho trẻ, tập trung nhóm 16-18 tuổi. Nguồn vaccine sẽ ưu tiên cho một số đơn vị sắp đưa học sinh trở lại trường học. Khi có kế hoạch từ Bộ Y tế, các địa phương phải tổ chức tiêm ngay.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều nguồn vaccine, từ ngoại giao vaccine đến tổ chức COVAX, viện trợ và một số nguồn khác.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng xin ý kiến của Bộ Y tế về việc giữ các trung tâm hồi sức hoạt động độc lập hay sáp nhập với bệnh viện dã chiến để thành lập bệnh viện ba tầng.
"Quan điểm của Sở Y tế là sáp nhập, cơ chế tài chính thế nào sẽ xin ý kiến sau. Mô hình Bệnh viện ba tầng rất hay, bệnh nhân không cần phải di chuyển nhiều", ông Thượng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đồng ý xây dựng mô hình Bệnh viện ba tầng được sáp nhập từ Trung tâm Hồi sức và Bệnh viện dã chiến liền kề.
"Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng y tế tuyến cơ sở, bởi trong thời gian trước, ngành y tế chưa thật sự quan tâm đến các tuyến này", Thứ trưởng nói.
Bình luận