• Zalo

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tình trạng nhận phong bì đã đỡ nhưng vẫn còn

Sức khỏeThứ Tư, 28/03/2018 14:20:00 +07:00Google News

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, ông rất trân trọng nếu bác sĩ được nhận phong bì từ sự cảm ơn thật lòng của người bệnh.

Video: Thứ trưởng Y tế nói về vấn nạn nhận phong bì của bác sĩ

Bác sĩ từng bị mang tiếng "nhét tiền vào mồm"

Tại Hội thảo công bố báo cáo Chỉ số hài lòng của người bệnh đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh của một số bệnh viện công lập ở Việt Nam từ góc nhìn của người bệnh, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thừa nhận thời điểm 5 năm về trước, ngành y còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó đáng ngại là việc nhận phong bì.

“Năm nào chúng tôi cũng bị nói trên chương trình gặp nhau cuối năm trên truyền hình, bác sĩ bị gọi là mày, rồi bị nói "nhét tiền vào mồm" bác sĩ. Chúng tôi rất đau xót’”, ông Khuê nhắc lại.

Liên quan tới vấn nạn bác sĩ nhận phong bì, chia sẻ với PV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: “Tình trạng bác sĩ nhận phong bì đã đỡ, nhưng để nói không có trường hợp nào nhận phong bì thì không thể”.

“Bởi văn hóa nước ta là Á Đông. Khi mình có người thân là người bệnh, gặp bác sĩ tốt chữa bệnh rất tốt sẽ rất băn khoan trăn trở, nên cảm ơn bác sĩ như thế nào. Đó là sự trân trọng thật lòng, không hề gượng ép. Như vậy hoàn toàn đáng trân trọng nếu bác sĩ được nhận phong bì.

Không chỉ là phong bì, đó còn có thể là quà, thậm chí chỉ là bó hoa”, thứ trưởng Tiến nói thêm.

Ông cho rằng người dân cần nhìn nhận khách quan, công minh. Nếu việc nhận phong bì xuất phát từ việc ép buộc, đổi chác để nhận lại sự nhiệt tình thì cần phản đối kịch liệt. Bộ Y tế sẽ nghiêm trị. Ngược lại, khi bác sĩ được trân trọng thì nên đánh giá cao họ.

“Chúng ta nên rạch ròi, không nên nói oan cho các bác sĩ. Bởi ai cũng có lòng tự trọng. Họ cũng muốn giữ nhân cách và cốt cách chứ”, ông Tiến cho hay.

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương là thách thức lớn của hệ thống khám chữa bệnh, đặc biệt là chuyên khoa như tim mạch, ung thư, chấn thương, chất lượng khám chữa bệnh ở một số nơi chưa được bảo đảm.

Thu truong Y te: Tinh trang nhan phong bi da do nhung van con hinh anh 1

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến. (Ảnh: HQ.) 

Người bệnh không hài lòng về điều gì khi đến bệnh viện?

Trước tình hình đó, ngành Y tế cần nỗ lực đổi mới. Hàng loạt giải pháp của ngành y tế, các bệnh viện đã và đang nỗ lực cải tiến chất lượng từ nhân lực, chuyên môn đến cơ sở vật chất, phương tiện, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh đã đem lại bộ mặt mới cho ngành y.

Khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 11/2017 (do Cục Quản lý Khám chữa bệnh là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của mạng lưới sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana, Mỹ) cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 điểm, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,5% so với kỳ vọng của người bệnh.

Kết quả này được ghi nhận thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm.

Trong số 29 bệnh viện khảo sát, 5 bệnh viện được phản hồi tốt nhất từ người bệnh, 16 bệnh viện được xếp hạng tốt và 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, 2 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình.

Video: Bác sĩ Hoàng Công Lương nói gì sau khi bị truy tố?

TS Nguyễn Lan Hương - Đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam - cũng cho biết qua các khảo sát vừa qua có thể thấy người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh (4,15/5 điểm) trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh (3,74/5 điểm). Người bệnh ở tuyến trên và hạng trên có mức độ hài lòng cao hơn.

Ở tuyến huyện, người bệnh kém hài lòng nhất về các tiêu chí thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả điều trị khám, chữa bệnh. Điều này cho thấy các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới cần nâng cao hơn nữa năng lực khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân.

Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý kết quả khảo sát thí điểm năm 2017 chưa thể phản ánh toàn diện, đầy đủ thực trạng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam. Khảo sát mới chỉ có 29 bệnh viện tham gia so với con số 1.400 bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên toàn quốc.

Từ kết quả khảo sát này, Tổ chức Mạng lưới sáng kiến Việt Nam khuyến nghị Bộ Y tế và Sáng kiến Việt Nam tiếp tục hợp tác mở rộng quy mô và phạm vi khảo sát năm 2018, công bố kết quả Chỉ số hài lòng người bệnh hàng năm.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn