Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi đến đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông về việc nhiều thuê bao đăng ký bằng chứng minh nhân dân (CMND) mà chưa đồng bộ với căn cước công dân (CCCD) trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: "Những thuê bao đã đăng ký bằng CMND nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định thì vẫn hoạt động bình thường".
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc thuê bao đăng ký bằng CMCD vì chưa được cấp CCCD hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia chưa có dữ liệu về CCCD, do vậy, thông tin số CMND vẫn được ghi nhận.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng sẽ chủ động rà soát, đối chiếu dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đây (hồ sơ bản giấy/bản photo của giấy tờ tùy thân) của khách hàng.
"Điều này nhằm khẳng định cơ sở dữ liệu tại nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi khách hàng đăng ký. Công việc này nhà mạng sẽ tự làm, không làm phiền đến người dân", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng sẽ tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi kho dữ liệu này có thêm thông tin mới về CCCD của người dân để chuẩn hóa thông tin cho khách hàng.
Từ 31/3, các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Người dân có thể tự kiểm tra số điện thoại của mình có thông tin thuê bao chính xác, chính chủ hay chưa bằng cách soạn tin nhắn miễn phí theo cú pháp TTTB gửi 1414. Nếu thông tin chưa chính xác, người dân cần phối hợp chặt chẽ với nhà mạng để nhanh chóng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao để không bị gián đoạn liên lạc.
Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Quy định này nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đồng thời hạn chế tình trạng "SIM rác" trên thị trường. Người dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại nhà thông qua mạng Internet, hoặc liên hệ với tổng đài thông qua đường dây nóng của mỗi nhà mạng để được hướng dẫn cụ thể.
Bình luận