Khảo sát công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Thái Nguyên và Lạng Sơn ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kỳ thi này có tính chất đặc biệt quan trọng. Ngoài việc đánh giá kết quả dạy và học ở bậc phổ thông, điểm thi cũng phục vụ công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đầu vào của nhiều trường đại học.
Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ nên tuyệt đối không chủ quan. Mọi sự lơ là, chủ quan trong tổ chức kỳ thi đều sẽ phải trả giá. Nguyên tắc 5K của ngành giáo dục trong tổ chức thi là “Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra kỹ lưỡng; Khắc phục hậu quả”.
Quan trọng nhất là con người
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương khi xây dựng kế hoạch phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn triển khai, rõ người, rõ việc, rõ về thời gian, rõ mục tiêu, hiệu quả, rõ trách nhiệm. Những từ khoá quan trọng được Thứ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương thực hiện tốt là: an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Để làm được điều này, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện và từng nhân sự tham gia tổ chức thi phải nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT, để áp dụng hiệu quả, phù hợp cho từng giai đoạn của kỳ thi.
“Tinh thần là hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhưng tuyệt đối không quá căng cứng; chặt chẽ nhưng không quá căng thẳng", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ, hiện nay chúng ta có công nghệ thông tin để quản lý, các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng chấm thi đều có camera giám sát đảm bảo quét toàn bộ trong phòng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Trong đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt nhưng tất cả các lực lượng tham gia quy trình này đều phải có trách nhiệm. Cán cộ coi thi là người tiếp xúc đề thi, nếu không có tinh thần trách nhiệm, thậm chí nhận thức đơn giản hoặc nể nang đồng nghiệp là có thể có những hành vi sai trái, thậm chí vi phạm pháp luật.
Thứ trưởng đề nghị ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát lại cán bộ tham gia làm thi để có những lựa chọn chính xác. Trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, chểnh mảng trong công việc phải thay thế ngay và đánh giá thi đua. Bên cạnh đó, những nhân sự làm tốt, nỗ lực, trách nhiệm cần được tuyên dương kịp thời.
Sẵn sàng cho kỳ thi
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay toàn tỉnh có 9.573 thí sinh tại 21 điểm thi với 417 phòng thi. Hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành giáo dục, công an, y tế… được huy động tham gia các nhiệm vụ coi thi, giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn.
Các thành viên của các hội đồng thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi được tập huấn 3 lần kỹ lưỡng nắm vững quy chế.
Toàn bộ cán bộ làm thi và thí sinh tham dự sẽ được xét nghiệm PCR, đảm bảo kết quả âm tính mới được tham gia tổ chức thi và dự thi. Công tác này dự kiến được thực hiện từ ngày 1 đến 3/7. Trước đó, toàn bộ nhân sự ban in sao đề thi của Lạng Sơn đã được tiêm vaccine và xét nghiệm PCR đảm bảo kết quả âm tính mới vào khu vực cách ly.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết, năm nay tỉnh có 16.973 thí sinh đăng ký dự thi tại 33 điểm thi. Tỉnh huy động hơn 2.900 cán bộ, giáo viên, lực lượng chức năng tham gia làm công tác coi thi, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn sức khoẻ.
Hiện không có thí sinh nào là F0, 11 thí sinh đang ở vùng phong toả, chưa hết thời gian theo dõi sức khoẻ tại nhà. Nếu có quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước ngày 6/7 và không phát sinh ca nhiễm mới, tỉnh dự kiến tổ chức thi đợt 1 cho tất cả thí sinh. Tỉnh sẽ căn cứ diễn biễn thực tế của dịch tại địa phương, để có các tổ chức thi, trên tinh thần đảm bảo an toàn sức khoẻ, quyền lợi cho các thí sinh.
Bình luận