Trước câu hỏi về việc đề xuất điều chỉnh giá điện bán lẻ 3 tháng/lần có khả thi và ảnh hưởng đến kinh tế và người tiêu dùng, tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay (5/8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng điều này phù hợp với quy định trong Quyết định 24/2017 của Thủ tướng.
Theo Quyết định số 24/2017, EVN có thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ở mức dưới 5% (cụ thể là từ 3 đến dưới 5%). Quy định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trên khung giá đã được Chính phủ quy định.
Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022. Chí phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới làm chi phí mua điện của EVN tăng cao ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn.
Theo ông Hải, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN.
"Trong quan trình đề xuất xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục", ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, trên cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để tránh gây ảnh hướng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần.
"Sự điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay bởi theo Quyết định 24 đã quy định EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý. Đề xuất mới hoàn toàn phù hợp với quy định này", ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, giá điện là mặt hàng "nhạy cảm" tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nên việc thực hiện điều chỉnh giá điện với mức độ, thời điểm… phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo việc điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và kinh tế xã hội.
Liên quan tới việc Bộ Công Thương chưa xây dựng biểu giá điện hai thành phần (công suất và điện năng), ông Hải nói cơ quan này đề nghị thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn hiện nay, giá bán điện cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh được điều chỉnh để tránh gây biến động quá lớn khi cơ cấu lại biểu giá bán lẻ.
Nhóm cơ sở lưu trú du lịch sẽ được áp giá bán lẻ điện bằng giá sản xuất, thay vì giá kinh doanh.
Giá bán điện theo các cấp điện áp (cao áp, trung áp và hạ áp) với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch... được gộp lại để phù hợp thực tế phát triển lưới điện tại các tổng công ty điện lực.
Bên cạnh đó, giá điện kinh doanh, hành chính sự nghiệp được giữ nguyên và bổ sung giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo nguyên tắc phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện.
Giá điện hai thành phần sẽ được tính tới thử nghiệm cho khách hàng dùng điện sản xuất tại cấp điện áp 110 kV trở lên khi điều kiện kỹ thuật cho phép, phù hợp trong từng giai đoạn phục hồi kinh tế.
Lộ trình và đề xuất cụ thể sẽ được Bộ Công Thương cùng EVN theo dõi, cập nhật và đánh giá ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Bình luận